Công dân Việt Nam có được mang 2 quốc tịch không?

Theo ý kiến của các luật sư, về nguyên tắc, công dân Việt Nam chỉ được mang một quốc tịch. Nhưng trong một số trường hợp ngoại lệ, Việt Nam vẫn cho phép công dân được mang 2 quốc tịch theo Luật Quốc tịch có hiệu lực từ 1/7/2009.

Chú thích ảnh
Cán bộ phòng Xuất nhập cảnh hướng dẫn người dân kê khai điện tử cấp hộ chiếu công dân. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức sáng 27/8, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Luật quốc tịch Việt Nam không cho phép công dân Việt Nam mang 2 quốc tịch trừ trường hợp đặc biệt như người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam. Trẻ em là con nuôi; người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và giữ lại quốc tịch của họ”.

Liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân có 2 quốc tịch được pháp luật quy định, đại diện Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho hay: Khi cho phép công dân mang 2 quốc tịch, một mặt phải đảm bảo về quyền lợi cho người đó được hưởng đầy đủ quyền công dân của cả hai bên, đất nước quê hương và đất nước sở tại. Mặt khác, khi chấp nhận tình trạng 2 quốc tịch thì quốc gia đó có trọng trách phải đối mặt với những rắc rối do xung đột về pháp lý giữa hai nước (nếu có) là vấn đề phức tạp, quyền lợi của công dân mang 2 quốc tịch trong hoàn cảnh này rất khó giải quyết triệt để.

“Công dân mang 2 quốc tịch phải có trách nhiệm thực hiện sao cho phù hợp với quy định của mỗi quốc gia để không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích lâu dài, việc thực hiện các nghĩa vụ pháp lý không giống nhau sẽ không tránh khỏi sự lúng túng. Ví dụ như nghĩa vụ kê khai thuế, nộp thuế hay các nghĩa vụ liên quan đến an ninh, chính trị, nghĩa vụ bị hạn chế do sự khác biệt quy định về độ tuổi trong một số lĩnh vực kinh doanh…”, luật sư Đặng Văn Cường nhận xét.

Người có 2 quốc tịch sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người có một quốc tịch Việt Nam. Nếu vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam cũng bị xử lý như người có 1 quốc tịch. Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 quy định thẩm quyền theo lãnh thổ chỉ xác định hành vi tội phạm xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam hoặc có liên quan đến bất cứ giai đoạn nào của hành vi tội phạm xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam thì thuộc sự điều chỉnh của BLHS, bất luận đó là người nước ngoài, không quốc tịch, song tịch hay chỉ có 1 quốc tịch Việt Nam.

Theo khoản 1 Điều 5 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì BLHS được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, người mang 2 quốc tịch hoặc người nước ngoài nếu phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì vẫn bị xử lý theo quy định BLHS và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Giảm phí từ 20 - 50% dịch vụ xác minh giấy tờ, cấp hộ chiếu
Giảm phí từ 20 - 50% dịch vụ xác minh giấy tờ, cấp hộ chiếu

Kể từ ngày 12/6, phí một số dịch vụ như xác minh giấy tờ, tài liệu; phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp; phí cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy phép quản lý pháo và quản lý vũ khí… giảm từ 20 - 50%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN