Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Cúc |
Trước đó, trong phần tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm Hà Văn Thắm và các đồng phạm, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo đã đưa ra quan điểm cho rằng sự ra đời của Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước là vi phạm Bộ luật Dân sự và vi hiến.
Nhầm lẫn khái niệm lãi suất tiền gửi của các tổ chức tín dụngCụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã phân tích Điều 471 - Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về Hợp đồng vay tài sản, Điều 476 Bộ luật dân sự 2005 quy định về lãi suất vay như sau: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ”.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước cũng đã viện dẫn tại khoản 2, Điều 3 Luật các Tổ chức tín dụng về nguyên tắc áp dụng Luật các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan đã quy định: Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng thì áp dụng theo quy định của Luật này.
Như vậy, theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động nhận tiền gửi của các tổ chức tín dụng không phải là hoạt động cho vay trong hoạt động cho vay tài sản. Việc huy động tiền gửi của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng. Lãi suất tiền gửi được thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư số 02/2011/TT-NHNN quy định về lãi suất huy động vốn của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Các luật sư đã nhầm lẫn khái niệm lãi suất tiền gửi của tổ chức tín dụng chịu sự điều chỉnh của trần lãi suất cho vay trong hợp đồng vay tài sản theo Điều 476 Bộ luật dân sự 2005.
Cơ sở pháp lý ban hành Thông tư 02
Ông Đào Thịnh Cường, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia đối đáp tại phiên tòa. Ảnh: Nguyễn Cúc |
Về cơ sở pháp lý ban hành Thông tư 02, Ngân hàng Nhà nước đã viện dẫn khoản 2, Điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 quy định về công bố lãi suất: “Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với nhau và với khách hàng, các quan hệ tín dụng khác”.
Đồng thời, tại khoản 3, Điều 91, Luật các tổ chức tín dụng quy định về lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng cũng quy định: “Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”.
Công văn của Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Như vậy, việc ban hành Thông tư 02 là hoàn toàn phù hợp với Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng như đã dẫn chứng ở trên.
Thực tiễn triển khai Thông tư 02 và Chỉ thị 02 trong năm 2011 và năm 2012 cho thấy đây là biện pháp hiệu quả đã góp phần ổn định thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, cơ bản khắc phục được tình trạng huy động vốn vượt trần, mặt bằng lãi suất của hệ thống tổ chức tín dụng có xu hướng giảm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Việc cử người tham gia giám định là đúng quy định pháp luật
Trong công văn số 7522 này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có ý kiến về công tác giám định của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm và các đồng phạm. Trong đó, nêu rõ Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã có quyết định trưng cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện giám định vụ việc này. Trên cơ sở Quyết định trưng cầu giám định đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ra Quyết định cử 9 người tham gia giám định vụ việc. Như vậy, việc Ngân hàng Nhà nước cử người giám định theo vụ việc để thực hiện giám định theo Quyết định trưng cầu của cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Luật Giám định tư pháp.
Về việc một số thành viên Tổ Giám định tư pháp của Ngân hàng Nhà nước đồng thời cũng là thành viên Đoàn thanh tra tại OceanBank trong thời gian xảy ra vụ án, Ngân hàng Nhà nước đã phân tích dựa trên căn cứ Điều 34 của Luật Giám định tư pháp năm 2012 quy định về các trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp; Điều 60 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về những trường hợp người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi; Điều 42 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định về những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng. Trên cơ sở đó đã kết luận: Việc Ngân hàng Nhà nước cử một số người là thành viên Đoàn thanh tra làm thành viên Tổ giám định tư pháp là không trái với quy định.
Về địa điểm thực hiện giám định, Ngân hàng Nhà nước đã viện dẫn Điều 32, khoản 1, điểm h - Luật Giám định tư pháp quy định về nội dung: Kết luận giám định phải bao gồm nội dung về thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định, Luật Giám định tư pháp không quy định địa điểm để thực hiện giám định. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước thấy ý kiến của luật sư cho rằng bản kết luận giám định không tuân thủ quy định pháp luật về địa điểm giám định là không có cơ sở.