Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, ngày càng có nhiều lái xe dương tính với ma túy, gây ra TNGT rất thương tâm. Trong vấn đề này, có nhiều chủ thể liên đới nhưng lại vô can, chưa phải chịu trách nhiệm.
Phải kể đến đầu tiên là các đơn vị đào tạo sát hạch lái xe. Theo các chuyên gia quốc tế, việc sát hạch lái xe của Việt Nam được quy định chặt chẽ, thời gian thực hành khá dài. Cũng là bằng (giấy phép lái xe) B1 thực hành ở Việt Nam là 84 giờ, Nhật Bản 59 giờ. “Quy định pháp luật đầy đủ, nhưng vấn đề là phải học thật, thi thật”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy chia sẻ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, nắm bắt tâm lý một bộ phận không muốn đi học mà vẫn có bằng.; nên nhiều cơ sở đào tạo đã cắt xén chương trình học, thay vì dạy bài bản để lái xe an toàn, thì dạy "mẹo" để đỗ. Nhiều người ở phía Nam nhưng lại đăng ký học và thi ở phía Bắc. “Điều gì đã thu hút họ khi đường xa, chi phí đi lại đắt, tốn kém, phải chăng vì các cơ sở ấy học dễ thi dễ? Nghiêm trọng hơn, có tình trạng "bao" thi, "bao" đỗ, đóng tiền mua bằng”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.
Tiếp đến là đơn vị kinh doanh vận tải. Luật quy định đơn vị phải tổ chức khám sức khỏe cho lái xe hàng năm, nhưng nhiều nơi khoán trắng, để lái xe tự đi khám, mang kết quả về lưu hồ sơ doanh nghiệp, thậm chí không cần nộp. “Hậu quả là vừa qua đã phát hiện nhiều lái xe dương tính ma tuý, khiến xã hội bàng hoàng phẫn nộ. 6 tháng đầu năm, kiểm tra đột xuất có 239 trường hợp dương tính ma tuý. Cùng với đó, luật quy định đảm bảo thời gian lái không chạy xe quá 10 giờ/ngày và không lái xe liên tục quá 4 tiếng, nhưng vì lợi nhuận, nhiều nơi tăng chuyến, nhiều doanh nghiệp khai thác tối đa xe nên lái xe lênh đênh trên đường cả ngày lẫn đêm, rất không đảm bảo an toàn”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu ý kiến.
Cũng theo đại biểu tỉnh Bắc Kạn, dịp lễ, Tết lái xe phải quay vòng liên tục về các tỉnh xa về đón khách dẫn đến hậu quả là tai nạn nghiêm trọng do lái xe chạy quá sức dẫn đến ngủ gật. "Cử tri phản ánh, nhiều trường hợp lái xe không đi khám sức khỏe mà chỉ cần bỏ 200.000 đồng và cung cấp thông tin chiều cao, cân nặng là có giấy chứng nhận đủ sức khỏe lái xe, nhiều trường hợp đến khám, y bác sĩ chỉ hỏi và ghi giấy chứ không khám. Nên mới có trường hợp bị bệnh tâm thần, nhưng vẫn được cấp giấy phép lái xe như ở Hòa Bình, Đắc Nông”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy dẫn chứng.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là việc thanh tra, tuần tra, kiểm soát chưa nghiêm. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy dẫn chứng vụ án nghiêm trọng liên quan đến 7 thanh tra giao thông vừa đưa ra xét xử. 7 thanh tra này đã câu kết với "cò", nhận tiền của 57 doanh nghiệp trong nhiều năm để bỏ qua các sai phạm.
Đại biểu tỉnh Bắc Kạn cho rằng, những tiêu cực như vậy đã khiến nhiều người hình thành suy nghĩ là “cứ vi phạm, nếu bị phát hiện có thể xin được, không xin được thì có thể hối lộ được”.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy ghi nhận, đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ Công an, Giao thông Vận tải thời gian qua, nhưng cần quyết liệt hơn nữa để loại bỏ những "con sâu làm rầu nồi canh".
"Mọi vi phạm phải được phát hiện xử lý nghiêm, không thể vô can, không chịu trách nhiệm. Có như vậy mọi người dân mới được bình an và không còn nước mắt phải rơi vì những mất mát do TNGT", đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.