Giả mạo để trục lợi
Chuyện các nghệ sĩ, MC nổi tiếng liên tục bị mạo danh trên mạng xã hội tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, việc mạo danh này không đơn thuần dừng lại ở việc lập các trang facebook, fangape cá nhân để "câu" like (lượt thích), comment… mà đã có nhiều trang lợi dụng tên tuổi của những người nổi tiếng để nhằm những mục đích xấu.
Một trong những fanpage mạo danh MC Lại Văn Sâm đã đổi tên sau khi có thông báo của Đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh: PV |
Ngày 4/2 vừa qua, trang fanpage chính thức của đài truyền hình Việt Nam VTV đưa ra thông báo việc MC Lại Văn Sâm bị giả mạo facebook. Theo đó có rất nhiều trang facebook có tên MC nổi tiếng này. Tuy nhiên nhà báo Lại Văn Sâm khẳng định không sử dụng bất kỳ trang cá nhân nào trên mạng xã hội.
Những facebook giả mạo MC Lại Văn Sâm thường đăng tải những thông tin "câu" like về xã hội, đời sống... Kèm theo đó là hình ảnh nam MC kỳ cựu của nhà đài được cập nhật thường xuyên. Hành vi này khiến nhiều cư dân mạng hiểu lầm đây chính là trang cá nhân của nhà báo Lại Văn Sâm.
Cùng cảnh ngộ, MC Tùng Chi cũng bị mạo danh dù cô không dùng facebook. Trang fanpage cá nhân mang tên MC Tùng Chi không chính chủ thu hút hơn 2000 người thích và theo dõi.
Biên tập viên Trần Quang Minh của chương trình "Bữa trưa vui vẻ" - VTV6 đã từng phải lên tiếng cảnh báo một facebook giả mạo anh nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Facebooker này đã giả mạo là Trần Quang Minh và đề nghị mọi người nạp thẻ điện thoại giúp, vì anh đang trên đường đi tác nghiệp ở xa.
"Tôi nhận được rất nhiều điện thoại của bạn bè, của người thân và cả những bạn bè trên trang facebook chia sẻ và có nhắn tin cho tôi trên trang facebook đó là nhận được yêu cầu nạp thẻ trên trang facebook Tranquangminh. Mọi người không tin đó là mình, nên gọi điện kiểm tra xem đấy là ai. Thậm chí là đồng nghiệp, bạn bè ở cơ quan của tôi cũng liên tục gọi điện hỏi khiến tôi giật mình...", Trần Quang Minh từng chia sẻ trước sự việc bị người lạ mạo danh facebook của mình.
Có thể bị phạt tù
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, luật sư Đặng Văn Cường (Liên đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, thông tin về nhân thân, quyền về hình ảnh cá nhân là quan hệ dân sự, được Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, bảo đảm và bảo vệ.
Theo đó, mọi hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác mà không được người đó đồng ý thì đều vi phạm pháp luật. Nếu hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân đó mà chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không đáng kể thì vụ việc được giải quyết bằng quan hệ dân sự, hành chính. Nghĩa là người sử dụng thông tin, hình ảnh trái phép của người khác phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp việc sử dụng thông tin, hình ảnh của người khác trái phép trên mạng Internet nhằm xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng tới người khác thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Cụ thể, nếu với hành vi giả mạo thông tin của người khác mà không thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, không nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm uy tín của tổ chức, cá nhân thì người có hành vi giả mạo thông tin facebook của người khác vẫn có thể bị áp dụng các quy định tại Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP để xử phạt người vi phạm với mức phạt từ 20 - 30 triệu đồng.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2009. Điều 226 Bộ luật hình sự quy định nếu người nào dùng Facebook mạo danh người khác, rồi lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân (kêu gọi ủng hộ…) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hình phạt cho tội này có thể lên đến 7 năm tù.
Ngoài ra, điều 226 Bộ luật hình sự cũng quy định về tội sử dụng mạng máy tính, viễn thông, Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản với giá trị từ 500 triệu đồng trở lên và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có thể chịu hình phạt tối đa là chung thân.
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, người bị giả mạo thông tin cần phải có thông báo công khai, chính thức về việc giả mạo đó và yêu cầu người giả mạo thông tin chấm dứt hành vi vi phạm, có thể khiếu kiện, tố cáo về việc này để cơ quan chức năng vào cuộc, giải quyết. Bên cạnh đó, để ngăn chặn, giải quyết tình trạng giả mạo facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của người khác, các cơ quan chức năng cần kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm, đồng thời nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của mỗi công dân để có những giải pháp cá nhân, không để tình trạng giả mạo xảy ra. Đặc biệt, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng tổ chức, cá nhân khác trong xã hội để cho công dân hiểu, tôn trọng người khác mà không vi phạm.