Luật Tố tụng hành chính năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, với sự thay đổi lớn về thẩm quyền quy định tại Điều 32. Theo đó, “Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án” sẽ thuộc thẩm quyền thụ lý giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Hằng năm, Hà Nội thụ lý gần 1.000 vụ án hành chính, chiếm 10% án hành chính của cả nước. Số lượng án hành chính trên địa bàn ngày càng tăng, chủ yếu liên quan quản lý đất đai, bởi thành phố có nhiều dự án xây dựng liên quan thu hồi đất.
Nhiều vụ án khiếu kiện đông người như loạt vụ án liên quan Dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng (30 vụ), Dự án xây dựng, phát triển khu công nghệ cao - quận Bắc Từ Liêm (17 vụ), Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai II đoạn từ Cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở (22 vụ). Viện Kiểm sát và Tòa án đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phối hợp liên ngành đưa ra phương thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính. Tuy nhiên, việc giải quyết án hành chính vẫn còn chậm, số lượng án hành chính quá hạn, bị kéo dài còn nhiều.
Theo bà Nguyễn Thị Hoa (Trưởng phòng 10, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội), án hành chính là loại án khó, liên quan đến tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Phạm vi giải quyết của vụ án rộng, phải xem xét tính hợp pháp của tất cả các quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại liên quan. Bà Hoa lý giải các cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong việc giải quyết, cần thời gian để nghiên cứu văn bản pháp luật nên vụ án phải kéo dài, dẫn đến vi phạm thời hạn giải quyết. Mặt khác, thủ trưởng cơ quan bị kiện thường không tham gia tố tụng mà ủy quyền cho cấp phó, cấp phó lại làm đơn xin xét xử vắng mặt, vì vậy không tổ chức đối thoại được mà phải đưa ra xét xử nên vụ án khó kết thúc sớm.
Đồng tình với nhận định này, thẩm phán Nguyễn Hồng Lam (Phó Chánh tòa Hành chính, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) cho rằng, trong các vụ án hành chính, đa phần khi nhận được thông báo thụ lý vụ án, người bị kiện sẽ ủy quyền cho cấp phó của mình tham gia tố tụng và lập tức cấp phó này gửi song song văn bản ủy quyền đó với một đơn xin giải quyết vắng mặt.
Vì vậy, trong quá trình giải quyết, những cơ quan hữu quan thường không tham gia, không giải quyết vụ việc, không đến Tòa án dự phiên xử. Mặc dù quy định của pháp luật cho phép điều này, nhưng vô hình trung làm cho giải pháp đối thoại không đạt hiệu quả như mong muốn. Người dân không được trực tiếp nghe cơ quan chức năng giải thích những nội dung liên quan đến yêu cầu khởi kiện của họ, không được giải đáp kịp thời, thỏa đáng những bức xúc…, dễ có tâm lý cho rằng cơ quan chức năng không hợp tác, thiếu tôn trọng nên càng bức xúc, càng mâu thuẫn, tranh chấp, vụ án khó đối thoại, khó hòa giải, buộc phải giải quyết bằng việc mở phiên tòa.
Để hạn chế việc các cơ quan hữu quan không hợp tác trong việc đối thoại với người dân, tổ chức có đơn khởi kiện, thẩm phán Nguyễn Hồng Lam nêu ý kiến, cần nhân rộng mô hình đối thoại trực tuyến. Như vậy, người dân không phải đi lại nhiều lần, đại diện cơ quan bị khởi kiện cũng có điều kiện sắp xếp thời gian tham gia đối thoại, chuẩn bị tài liệu đối thoại, giải đáp những băn khoăn, thắc mắc cho người dân… qua đó giúp người dân hiểu, nắm rõ hơn những quy định pháp luật có liên quan đến lĩnh vực khởi kiện. Nếu họ thấy những giải đáp này là thỏa đáng thì sẽ tăng tỷ lệ đối thoại thành công, đương sự rút đơn khởi kiện, không cần phải mở phiên tòa để giải quyết những tranh chấp đó nữa, giảm tải tranh chấp, giảm tải khiếu nại, khiếu kiện. Đây là phương án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đang đề xuất sớm thiết lập một hành lang pháp lý để tổ chức phiên đối thoại trực tuyến.
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Hồng Sơn đánh giá, Viện Kiểm sát và Tòa án tuy có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nhưng công tác phối hợp là rất quan trọng, giúp đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết án hành chính. Việc phối hợp càng chặt chẽ, càng cụ thể, tuân thủ đầy đủ các trình tự luật định… sẽ là tiền đề để hạn chế những vụ án bị Tòa án cấp trên cải chính, sửa, hủy án, do có nguyên nhân chủ quan, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.