Theo báo cáo kết quả thanh tra số 01/BC-ĐTTr của Thanh tra huyện Chư Păh, giai đoạn 2016-2018, UBND xã Hà Tây lập khống chứng từ để thanh toán tiền hội nghị, tiền tuyên truyền pháp luật. Cụ thể, UBND xã Hà Tây không tổ chức hội nghị cuối năm nhưng đã lập khống chứng từ tổ chức hội nghị tổng kết năm 2018; hợp thức hóa hai chứng từ chi tuyên truyền pháp luật để rút quỹ tiền dịch vụ môi trường rừng với số tiền 22 triệu đồng.
Tại các phiếu chi trả tiền hợp đồng bảo vệ rừng từ tháng 4/2016-4/2018 cho 3 làng (Kol Sơ Lăl, Kon Hơ Nglẽh, Kon Chang) và 2 nhóm hộ (gồm 26 hộ thuộc Tiểu khu 186 và 16 hộ thuộc Tiểu khu 191), UBND xã Hà Tây trích lại 10% kinh phí mà 3 làng được thụ hưởng số tiền gần 256 triệu đồng; trích lại 40% của 2 nhóm hộ nhận khoán bảo vệ rừng số tiền gần 370 triệu đồng. Tổng số tiền trích lại của 3 làng và 2 nhóm hộ sai quy định gần 625 triệu đồng.
Theo trình bày của ông Thaoh, Chủ tịch UBND xã Hà Tây, huyện Chư Păh, việc trích tỷ lệ phần trăm đã trao đổi, thống nhất với Bí thư Đảng ủy xã, Kế toán – Tài chính xã để chi bồi dưỡng cho các cán bộ, công chức tham mưu, làm thủ tục thanh toán hợp đồng bảo vệ rừng, chi tiếp khách, thực hiện các thủ tục thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này được giao cho Kế toán giữ, khi cần thì Chủ tịch UBND xã chỉ đạo chi nhưng không có ghi vào sổ sách.
Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra tiến hành làm việc với đại diện lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Hà Tây đã phát hiện ông Thaoh không báo tập thể biết và tập thể không cho ý kiến là trích lại tiền phần trăm của các nhóm hộ, cũng như lập chứng từ khống để chi cho các mục đích chung của xã.
Ngoài ra, UBND xã Hà Tây còn lập 6 chứng từ khống của 2 nhóm hộ nhận khoán để thanh toán số tiền bảo vệ rừng hơn 271 triệu đồng. Qua xác minh, 2 nhóm hộ này đã bỏ hợp đồng bảo vệ rừng từ tháng 4/2018 đến tháng 7/2019, đến nay UBND xã chưa hợp đồng với nhóm hộ khác nhưng vẫn kê khai để rút tiền ngân sách. Tại thời điểm thanh tra, số tiền này chỉ còn lại 59 triệu đồng với lý do UBND xã đã cho cán bộ, công chức mượn hoặc các ban, ngành của xã tạm ứng sử dụng vào việc chung của xã.
Xã Hà Tây thuộc huyện Chư Păh có gần 3.700 ha rừng; trong đó gần 2.900 ha diện tích có rừng và 850 diện tích không có rừng. Sau quá trình kiểm tra, đến tháng 5/2019, UBND xã Hà Tây đã để mất hơn 850 ha rừng ở 3 tiểu khu (191, 185, 186) do xã Hà Tây quản lý. Số rừng bị mất này do người dân đốt, phá, chặt hạ để trồng lúa, mì, cà phê, bời lời (từ 2-5 tuổi). Do không biết chính xác vị trí nhiều lô đất rừng nên khi các nhóm hộ được giao quản lý bảo vệ rừng phát hiện người dân phá rừng đều báo cho Chủ tịch xã là ông Thaoh biết. Ông Thaoh cũng công nhận việc mình biết thông tin này, nhưng ông Thaoh cho rằng, việc xử lý các trường hợp lấn chiếm đất, đốt phá rừng rất khó khăn, nên UBND xã không xử lý được.
Ngoài ra, từ năm 2016-2018, UBND xã Hà Tây phát hiện nhiều vụ khai thác gỗ trái phép nhưng không đưa được gỗ ra khỏi rừng. Thấy gỗ lậu vắng chủ, UBND xã và trực tiếp là ông Thaoh đã thuê xe và chỉ đạo cán bộ, công chức của xã tham gia bốc gỗ lên xe nhưng không chở về UBND xã mà chở đi nơi khác, để cưa xẻ làm mặt bàn, ghế và đưa về nhà ông Thaoh, gây thắc mắc trong nội bộ cơ quan.
Từ năm 2016 – 2018, UBND xã Hà Tây được cấp hơn 5 tỉ đồng để phục vụ việc quản lý, bảo vệ rừng. Tuy vậy, tập thể UBND xã Hà Tây mà cụ thể là ông Thaoh, Chủ tịch UBND xã Hà Tây đã tìm nhiều cách vơ vét, trục lợi và chi sai gần 1 tỉ đồng.
Thanh tra huyện chỉ rõ, UBND xã Hà Tây đã tùy tiện lập khống chứng từ, hợp thức hóa chứng từ, trích lại phần trăm tiền giao khoán bảo vệ rừng là hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Ngân sách Nhà nước 2015. Tổng số tiền sai phạm cần phải thu hồi là 917 triệu đồng.
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ: Để người dân lấn chiếm đất rừng, không kịp thời rà soát, không báo cáo kịp thời để giảm diện tích rừng, tịch thu gỗ nhưng không xử lý đúng theo quy định là trách nhiệm thuộc về UBND xã Hà Tây, mà trực tiếp là ông Thaoh, Chủ tịch UBND xã Hà Tây. Trách nhiệm để người dân phát nương làm rẫy, lấn chiếm rừng thuộc về các làng và các nhóm hộ được giao khoán, trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng thuộc về Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh.
Ngoài ra, theo kết luận thanh tra, việc lập khống chứng từ, trích lại tiền phần trăm mà các nhóm hộ và các làng được thụ hưởng, hợp thức hóa chứng từ để lấy tiền ngân sách, trách nhiệm thuộc về Kế toán là ông Trần Văn Lĩnh; chủ tài khoản là ông Thaoh, Chủ tịch UBND xã Hà Tây và ông Hnaih, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hà Tây.
Gia Lai có 101 xã được hưởng dịch vụ môi trường rừng, diện tích lớn tập trung ở khoảng gần 10 xã, trong đó có Hà Tây. Theo ông Võ Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai, việc lập khống chứng từ để trục lợi tiền ngân sách ở UBND xã Hà Tây đã đủ dấu hiệu truy tố hình sự. Qua việc này, đơn vị sẽ kiến nghị UBND tỉnh tiến hành thanh tra các đơn vị có số tiền chi trả dịch vụ môi trường trên 100 triệu đồng để ngân sách được sử dụng đúng mục đích.