Nợ tiền dịch vụ môi trường rừng, Kon Tum 'cầu cứu' Bộ Công Thương

Liên quan đến tình trạng 8 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum nợ tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng, tỉnh Kon Tum đã có công văn số 1896/UBND-NNTN “cầu cứu” Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị có liên quan giải quyết dứt điểm việc nợ tiền dịch vụ môi trường rừng.

Theo đó, tại văn bản gửi Bộ Công Thương, tỉnh Kon Tum nêu rõ: Để có cơ sở xử lý dứt điểm các trường hợp kéo dài nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum báo cáo và đề nghị Bộ Công Thương xem xét tiếp tục yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực miền Trung thanh toán bổ sung tiền dịch vụ môi trường rừng và lãi chậm nộp thời điểm từ tháng 1 đến tháng 5/2011 cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum theo quy định. Bởi Tổng Công ty Điện lực miền Trung là đơn vị thực hiện mua điện từ các nhà máy thủy điện có công suất từ 30MW trở xuống theo ủy quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Trong trường hợp ý kiến của Tổng Công ty Điện lực miền Trung tại văn bản số 2765/EVN CPC-KD ngày 18/4/2018 là đúng thì Bộ Công Thương cho ý kiến về nguồn tiền mà các đơn vị thủy điện nhỏ phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng từ tháng 1 đến tháng 5/2011 (doanh nghiệp tự bỏ tiền để nộp hay được miễn) để địa phương có cơ sở tính và thu tiền dịch vụ môi trường rừng của các đơn vị chậm nộp theo quy định.

Xung quanh những khoản nợ gốc và lãi chậm nộp của Nhà máy thủy điện Đăk Pô Ne 2 - Công ty TNHH Gia Nghi trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2011, theo phúc đáp của Tổng Công ty Điện lực miền Trung tại văn bản số 2765/EVN CPC-KD ngày 18/4/2018, lí do không chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đó là trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2011, Nhà máy thủy điện Đăk Pô Ne 2 đang áp dụng giá mua bán điện đàm phán thỏa thuận, không thực hiện theo biểu giá chi phí tránh được, nằm ngoài phạm vi quy định tại văn bản số 102/BCT- ĐTĐL ngày 20/10/2014 của Bộ Công Thương.

Từ năm 2014, Tổng Công ty Điện lực miền Trung mới thực hiện mua điện từ các nhà máy thủy điện có công suất từ 30MW trở xuống và đã thanh toán đầy đủ chi phí dịch vụ môi trường rừng cho tất cả các nhà máy thủy điện từ thời điểm ký hợp đồng mua bán điện theo biểu giá chi phí tránh được (thời điểm chưa tính phí dịch vụ môi trường rừng vào giá điện). Các nhà máy như Đăk Po Ne 2, Đăk Rơ Sa đã ký hợp đồng trước tháng 6/2011 theo giá thỏa thuận nên không được cấp có thẩm quyền quy định về phí dịch vụ môi trường rừng.

Trước đó, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 8 nhà máy thủy điện nợ tiền dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 với tổng số tiền hơn 11 tỷ đồng; trong đó, có 7 nhà máy thủy điện chưa chi trả đầy đủ tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2011 và lãi chậm nộp từ năm 2011-2014 trên 3,8 tỷ đồng gồm: Nhà máy Thủy điện Đăk Pô Ne 2, Đăk Pô Ne 2AB (thuộc Công ty TNHH Gia Nghi).

Nhà máy Thủy điện Đăk Rơ Sa, Đăk Rơ Sa 2 (Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Rơ Sa); Nhà máy Thủy điện Đăk Pô Ne (Công ty Cổ phần Đầu tư điện lực 3) và Nhà máy Thủy điện Đăk Psi 3, Đăk Psi 4 (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển thủy điện Đăk Psi). Đặc biệt, Nhà máy Thủy điện Đăk Ne còn nợ tiền dịch vụ môi trường rừng nhiều nhất với hơn 7,2 tỷ đồng; trong đó, tiền nợ gốc từ năm 2011- 2014 gần 5 tỷ đồng và tiền lãi chậm nộp hơn 2,3 tỷ đồng.

Quang Thái (TTXVN)
Dai dẳng tình trạng nợ tiền dịch vụ môi trường rừng
Dai dẳng tình trạng nợ tiền dịch vụ môi trường rừng

Từ khi triển khai thực hiện thu phí dịch vụ môi trường rừng, tỉnh Kon Tum đã có một nguồn kinh phí khổng lồ để thực hiện các công tác quản lý và bảo vệ rừng. Nhờ đó, hàng ngàn hecta rừng đã có chủ, công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng, tổ chức quản lý diễn ra thuận lợi. Góp phần bảo vệ những cánh rừng ở Kon Tum mãi xanh. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng một số nhà máy còn dây chưa chưa chịu trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN