Những củ sâm Ngọc Linh 7 năm tuổi. Ảnh: Quang Thái/TTXVN |
Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế và các đơn vị có liên quan mở đợt cao điểm đấu tranh xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hành vi gian lận thương mại, kinh doanh trái pháp luật đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh củ và các sản có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh; làm rõ nguồn gốc sâm Ngọc Linh được dùng để chế biến tại các cơ sở chế biến hiện nay và kiên quyết xử lý các vi phạm (nếu có); thông báo công khai kết quả kiểm tra, xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý nguồn giống sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh theo quy định (thanh tra, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận nguồn giống…).
Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, phát hiện, lập chuyên án để đấu tranh có hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với đường dây, tụ điểm sản xuất, kinh doanh, vận chuyển các sản phẩm giả thương hiệu sâm Ngọc Linh…
Thời gian qua, thị trường tỉnh Kon Tum xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân giới thiệu, buôn bán một số sản phẩm gốc từ sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chưa được kiểm định chất lượng gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng và ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng thương hiệu và sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Kon Tum chỉ có hai doanh nghiệp tham gia trồng sâm Ngọc Linh là Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh với diện tích hơn 300 ha, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô với diện tích hơn 8 ha. Ngoài ra, còn một số ít diện tích dân trồng. Tuy nhiên số diện tích trên của các doanh nghiệp vẫn chưa khai thác, chủ yếu nhân giống mở rộng diện tích.