Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường khai nhận, bị cáo giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Dược từ cuối năm 2007. Còn những sai phạm về thẩm định, xét duyệt cấp phép lưu hành 7 loại thuốc giả nhãn mác Health 2000 Canada xảy ra từ năm 2009. Bị cáo xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu nhưng cho rằng: Do quy chế mới, thông tin phản hồi không rõ ràng, các phòng chức năng không tham mưu, bị cáo không được báo cáo về sự việc nên không biết.
Cũng tại phiên tòa, gia đình bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma) cho biết đã tự nguyện nộp 5 tỷ đồng để tạm thời khắc phục hậu quả cho bị cáo Hùng. Bị cáo Hùng là một trong số ít bị cáo trong vụ án này có thái độ khai báo thành khẩn, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, nhận thức được sai phạm của mình. Nhiều bị cáo khác trong vụ án khai báo quanh co và có nhiều mâu thuẫn với lời khai của những người làm chứng và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) bị cáo buộc có hành vi chỉnh sửa trái pháp luật hồ sơ đề nghị cấp số đăng ký cho 2 loại thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin. Khi đối chất với 2 nhân chứng là ông Vũ Đức Cảnh và bà Nguyễn Hồng Nhung (là các chuyên viên của Cục Quản lý Dược, được cử tham gia thẩm định hồ sơ thuốc nước ngoài - cùng nhóm thẩm định hồ sơ đề nghị cấp số đăng ký cho 2 loại thuốc H2K Levofloxacin và H2K Ciprofloxacin), bị cáo Thủy cho rằng đã thể hiện ý kiến của cả nhóm thẩm định (gồm bị cáo Thủy, ông Cảnh, bà Nhung), xóa ý kiến đề xuất ban đầu của nhóm từ “không cấp số đăng ký” sang cho “bổ sung hồ sơ” là thể hiện ý kiến chung của cả nhóm. Tuy nhiên, hai nhân chứng là ông Cảnh, bà Nhung đều khẳng định đã không đồng ý cấp số đăng ký cho 2 loại thuốc này. Trước lời khai mâu thuẫn này, bị cáo Thủy cho rằng lời khai của ông Cảnh, bà Nhung là “bịa đặt, sai trái”.
Tương tự, bị cáo Phạm Hồng Châu (nguyên Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) khi đối chất với hai chuyên viên thuộc Phòng Đăng ký thuốc là ông Nguyễn Ngọc Anh và bà Vũ Bạch Dương (có mặt tại phiên tòa với tư cách là người làm chứng), bị cáo Châu cho rằng việc bị cáo bút phê chỉ đạo “Kính chuyển anh Ngọc Anh phối hợp chị Dương nghiên cứu giải quyết theo chủ trương chung” xử lý công văn xin thẩm định sớm hồ sơ đăng ký thuốc của Công ty Vimedimex chỉ là "kế thừa" chỉ đạo của bị cáo Trương Quốc Cường, còn việc cấp dưới diễn giải nó ra sao thì nằm ngoài sự kiểm soát của bị cáo.
Song hai cấp dưới của bị cáo Châu là ông Nguyễn Ngọc Anh và bà Vũ Bạch Dương đều khai "việc đưa hồ sơ hai thuốc trên ra thẩm định sớm là chỉ đạo của bị cáo Châu". Nội dung bút phê của bị cáo Châu được hai người này hiểu là: "phải đưa hồ sơ 2 thuốc này ra thẩm định sớm theo đề nghị của Vimedimex”.
Theo cáo trạng, kết quả xác minh cho thấy: "Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược không có chủ trương hay quy định nào cho phép ưu tiên đưa hồ sơ đăng ký thuốc của doanh nghiệp ra thẩm định sớm, trừ trường hợp có dịch bệnh sẽ có quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế".
Ngoài trách nhiệm trong hành vi "ưu tiên" thẩm định thuốc giả, bị cáo Châu cũng bị cáo buộc là "biết rõ" việc các thuốc nước ngoài phải có hồ sơ hợp pháp hóa lãnh sự, "biết rõ" các hồ sơ thuốc giả không có các tài liệu này, nhưng vẫn đồng ý cho Vimedimex bổ sung hồ sơ, sau đó bị cáo Châu cũng là người đề nghị cấp visa cho các thuốc giả này, trái quy định pháp luật.
Đối đáp lại các cáo buộc, bị cáo Châu cho rằng đó là trách nhiệm của nhóm chuyên gia thẩm định, "còn bị cáo chỉ có trách nhiệm đôn đốc tiến độ, không kiểm soát về mặt chuyên môn". Khi chủ tọa hỏi: "Bị cáo Châu là Trưởng phòng Đăng ký thuốc, sao có thể nói không liên quan chuyện quản lý chuyên môn?", thì bị cáo Châu cho rằng mình chỉ làm đúng trách nhiệm đã được quy định. Cơ quan quản lý không được phép tác động vào ý kiến chuyên môn của các chuyên gia thẩm định độc lập.
Sáng 14/5, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.