Nhận diện vi phạm tín dụng ngân hàng - Bài cuối: Lấp lỗ hổng pháp lý

Tội phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng đa số là những người có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu, khả năng che giấu tội phạm tinh vi, lợi dụng cơ chế chính sách, khe hở của pháp luật, sử dụng thủ đoạn nghề nghiệp để phạm tội.

Trong khi đó, năng lực, trình độ chuyên môn cũng như trách nhiệm của một bộ phận cán bộ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán trong giải quyết các vụ án tín dụng ngân hàng vẫn còn hạn chế, không bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của đương sự. Tìm kiếm giải pháp để hạn chế tình trạng vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng đòi hỏi cần được tiến hành đồng bộ từ nhiều phía: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường kiểm tra giám sát tại các tổ chức tín dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ…

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Bảo Việt chi nhánh Gia Lai. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Bộ luật Hình sự và Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có hiệu lực thi hành nhưng nhiều quy định vẫn chưa có hướng dẫn, nhất là các điểm mới của Bộ luật Dân sự về biện pháp bảo đảm, đăng ký, thế chấp tài sản đảm bảo, đang có sự mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật. Do đó, cần rà soát, ban hành hoặc bổ sung, sửa đổi Luật, văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ các vướng mắc cho ngân hàng cũng như cơ quan tiến hành tố tụng khi áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp hoặc xử lý tội phạm phát sinh trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.

Ông Lại Hữu Phước (Trưởng ban Kiểm tra nội bộ, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank) cho biết: Trên thực tế, thời gian điều tra, truy tố, xét xử các vụ án vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng thường kéo dài trong nhiều năm, dẫn đến việc xử lý, thu hồi nợ vay bị chậm, trong khi phần dân sự trong bản án hình sự có thể được xem xét giải quyết trước để các tổ chức tín dụng xử lý, thu hồi nợ. Một số tài sản bảo đảm đang trong quá trình điều tra vụ án hoặc liên quan đến vụ án hình sự khác nên bị phong tỏa, ngân hàng không thể đưa ra bán tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, trong khi quá trình điều tra vụ án đến khi Tòa án ra phán quyết thường mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của ngân hàng, làm giảm giá trị tài sản bảo đảm khi ngân hàng thu hồi được.

Trên cơ sở đó, kiến nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định thống nhất trong việc xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ của ngân hàng. Đặc biệt, cần có cơ chế để ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo theo Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163 và Nghị quyết số 42/2017/QH14 về biện pháp thu giữ tài sản đảm bảo. Khi xử lý tài sản đảm bảo thì việc định giá phải do tổ chức đánh giá chuyên nghiệp thực hiện, cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan chức năng như UBND, Công an trong quá trình hỗ trợ ngân hàng thu hồi tài sản bảo đảm.

Những sai sót bộc lộ trong hoạt động công chứng, chứng thực lĩnh vực tín dụng, ngân hàng thời gian qua cũng đòi hỏi Bộ Tư pháp cần chấn chỉnh tổ chức hành nghề công chứng, cải cách thủ tục công chứng, chứng thực về đăng ký giao dịch bảo đảm. Đồng thời, cần có cơ chế cũng như tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để nắm được các tài sản đã được đăng ký giao dịch bảo đảm hoặc đang được kê biên, tránh tình trạng một tài sản được thế chấp ở nhiều tổ chức tín dụng mà các tổ chức này không biết hoặc tài sản đang bị thi hành án nhưng vẫn mang đi thế chấp.

Vai trò quản lý của các tổ chức tín dụng

Là một trong những địa bàn giải quyết khá nhiều các vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, ông Tôn Thiện Phương (Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An) cho rằng cần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng; có cơ chế quản lý tài sản của ngân hàng, cơ chế hoạt động cho vay, thế chấp tài sản chặt chẽ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại cũng như công tác quản lý hệ thống ngân hàng thương mại.

Đồng thời, cần thường xuyên tổng kết, đánh giá đầy đủ, toàn diện và cụ thể các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng để các tổ chức tín dụng cũng như các cơ quan tố tụng kịp thời rút kinh nghiệm và khắc phục những sai sót tương tự. Đặc biệt, cần tăng cường đầu tư khoa học, công nghệ nhằm nâng cao tính bảo mật trong các giao dịch thương mại điện tử, kịp thời phát hiện các dấu hiệu xâm phạm trái phép vào tài khoản của ngân hàng và bảo vệ tránh rủi ro cho khách hàng.

Bên cạnh đó, cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tín dụng ngân hàng kiện toàn nhân lực có chất lượng chuyên môn cao; chú trọng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của cán bộ ngân hàng, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ ngân hàng có vi phạm, cương quyết loại bỏ cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức, tha hóa, vụ lợi… nhằm giảm thiểu tối đa những vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.

Đối với đặc thù hoạt động tín dụng ngân hàng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Duy Giảng cho rằng, trong Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn có những quy định bất cập, gây khó khăn trong việc xử lý vi phạm. Ngoài các quy định chung của pháp luật, vẫn phải áp dụng các quy định nội bộ của các tổ chức tín dụng và phải qua Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Nếu như không áp dụng sẽ dễ dẫn đến việc bị bỏ lọt hành vi vi phạm.

Vài năm gần đây, nhiều ngân hàng đã triển khai bộ phận kiểm tra nội bộ trong hoạt động của mình. Thông qua bộ phận này, một số vụ việc tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về đạo đức, rủi ro liên quan đến chất lượng tín dụng suy giảm hoặc các vấn đề có ảnh hưởng đến rủi ro pháp lý đã được phát hiện, xử lý kịp thời. Một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng bài bản bộ phận kiểm tra nội bộ là Vietcombank với đặc thù kiểm tra nội bộ độc lập với các chi nhánh nên khắc phục được bất cập mô hình tổ chức của kiểm tra giám sát tuân thủ trước đây. Bộ phận này có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để vận hành bộ máy kiểm tra, kiểm soát nội bộ; thực hiện các công tác phòng ngừa rủi ro liên quan hầu hết các mảng nghiệp vụ; kiểm soát và phát hiện kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro do không tuân thủ quy định; đề xuất chấn chỉnh và xử lý nghiêm những sai sót, vi phạm có thể dẫn tới rủi ro.

Thời gian qua, trong nhiều vụ án hình sự và các vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng, các đối tượng vi phạm thường sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, lợi dụng các quy định còn chưa chặt chẽ để thực hiện hành vi phạm tội hoặc sử dụng các thủ đoạn nghiệp vụ để che giấu tội phạm. Việc nhận diện những vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng sẽ góp phần giúp các cơ quan tố tụng nghiên cứu, rút kinh nghiệm, khắc phục những mặt tồn tại, hạn chế trong công tác điều tra, kiểm sát, xét xử các vụ án liên quan đến lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Đồng thời, đây cũng là một kênh thông tin giúp các tổ chức tín dụng tham khảo, điều chỉnh, nâng cao biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm phát sinh trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng.

Kim Anh (TTXVN)
Nhận diện vi phạm tín dụng ngân hàng - Bài 4: Sự cám dỗ của 'miếng bánh' ngân hàng
Nhận diện vi phạm tín dụng ngân hàng - Bài 4: Sự cám dỗ của 'miếng bánh' ngân hàng

Lĩnh vực kinh doanh ngân hàng gắn trực tiếp với tiền tệ là nơi tội phạm cũng như những cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng và có các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là trong lĩnh vực cấp tín dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN