Sai một ly, đi một dặm
Theo ông Nguyễn Quang Thành (Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội), quá trình thụ lý giải quyết các vụ án cho thấy tồn tại nhiều trường hợp công chứng, chứng thực các văn bản ủy quyền, các hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho không hợp lệ… Qua đó, đương sự làm thủ tục chuyển dịch tài sản, cầm cố, thế chấp bất hợp pháp dẫn đến hậu quả hợp đồng thế chấp, bảo lãnh, chuyển nhượng vô hiệu. Chỉ là một sai sót nhỏ trong quá trình thực hiện các thủ tục công chứng, chứng thực cũng dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng, làm phát sinh tranh chấp, thậm chí trở thành tài liệu để các đối tượng lợi dụng, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của các tổ chức tín dụng.
Trong các trường hợp này, đa phần lỗi của công chứng viên khi công chứng không đầy đủ các thành phần, việc ký của các bên không thực hiện trước mặt công chứng viên, văn bản công chứng không ký tắt vào từng trang, không đóng dấu giáp lai… Các hồ sơ tài liệu để làm cơ sở pháp lý cho nội dung công chứng không đầy đủ, nội dung hợp đồng bị tẩy xóa sửa chữa, có điểm mâu thuẫn nhưng công chứng viên vẫn chấp nhận… làm cho văn bản công chứng không có giá trị.
Điển hình là trường hợp công chứng viên công chứng vào hợp đồng tặng/cho tài sản mà một bên trong hợp đồng đã chết trước thời điểm công chứng trong vụ nguyên đơn là Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng khởi kiện bà Lê Thúy Hiếu.
Trong vụ án này, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là anh Nguyễn Mạnh Tiến và chị Nguyễn Quỳnh Anh. Tài sản mà bà Hiếu dùng để thế chấp là của chồng bà là ông Nguyễn Mạnh Quyết được UBND huyện Từ Liêm (thành phố Hà Nội) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 30/5/2006 mang tên ông Quyết. Ông Quyết đã lập Hợp đồng tặng cho bà Hiếu quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Văn phòng công chứng Bình Minh ngày 24/7/2013.
Tuy nhiên, theo kết quả xác minh tại UBND phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thì ông Quyết chết vào ngày 20/5/2007 tại Bệnh viện E - Hà Nội nên hợp đồng tặng cho tài sản lập sau đó 6 năm tại Phòng Công chứng Bình Minh là vô lý. Người tặng “chết” trước khi ký hợp đồng nên theo quy định của Bộ luật Dân sự, hợp đồng tặng cho bị vô hiệu.
Cấp phúc thẩm đã hủy Quyết định Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự của Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm về việc xử lý tài sản thế chấp để giải quyết lại theo hướng xem xét hợp đồng vô hiệu, đảm bảo quyền lợi của các đồng thừa kế. Sai phạm này được xác định là rất nghiêm trọng, phản ánh sai sự thật.
Trong trường hợp khác, vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là anh Nguyễn Tuấn Anh và bị đơn là ông Nguyễn Đức Khánh. Thửa đất thế chấp trong vụ án này là tài sản chung của hộ gia đình nhưng khi thực hiện công chứng vào hợp đồng ủy quyền đối với tài sản nhà đất lại chỉ có 3/9 thành viên trong hộ gia đình ký, do vậy các giao dịch phát sinh từ hợp đồng ủy quyền này đều vô hiệu.
Khi chính quyền cũng làm sai
Năm 2003, ông Lê Thanh Hải (ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) có một thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Hải đem gửi Giấy chứng nhận này cho vợ chồng anh Nguyễn Quang Tiến và chị Lê Thị Loan. Năm 2016, ông Hải xin lấy lại thì mới biết thửa đất trên đã được chuyển nhượng sang tên vợ chồng anh Tiến, chị Loan. Tìm hiểu kỹ, ông Hải biết chính quyền địa phương đã không xem xét, xác minh nguồn gốc đất, ký chứng thực không có mặt đầy đủ các bên chuyển nhượng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng trái pháp luật.
Trên cơ sở đó, Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mai Châu trình UBND huyện Mai Châu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CA 519827 ngày 6/7/2016 cho anh Tiến và chị Loan. Tòa án nhân dân huyện Mai Châu đã đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Hải và anh Tiến, chị Loan vô hiệu. Vợ chồng anh Tiến và Văn phòng đăng ký đất đai huyện Mai Châu phải khôi phục và trả lại giấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Hải.
Đây chỉ là một trong số nhiều trường hợp sai sót trong hoạt động của UBND các cấp và người thực thi nhiệm vụ. Các vi phạm phổ biến là: Chứng thực khống, chứng thực không có mặt người yêu cầu tại thời điểm chứng thực; Chứng thực trên bản sao, không có bản gốc đối chiếu (như vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn ngân hàng Agribank và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Thành Đạt); cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng trình tự, thủ tục; tài sản thuộc sở hữu chung nhưng chỉ cấp cho một cá nhân.
Đặc biệt như vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ông Lê Công Hùng và bà Nguyễn Thị Giang. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng thửa đất sổ 72, tờ bản đồ số 81, xã Tiên Dương (huyện Đông Anh, Hà Nội), được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình ông Lê Công Hùng. Theo hồ sơ, tài sản thế chấp là tài sản chung của cụ Thận, cụ Cặn, cụ Cẩn. Việc ông Hùng kê khai và được UBND huyện Đông Anh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không có văn bản tặng/cho thể hiện sự đồng ý của các cụ là không đúng quy định của pháp luật. Vì trên thực tế, đây là tài sản chung và các cụ vẫn đang quản lý, sử dụng nhà đất này. Đây là một trong những căn cứ để Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội hủy toàn bộ Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 17/2014/QĐST-DS ngày 12/5/2014 của TAND huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
Các sai sót này, đặc biệt là sai sót trong trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dẫn đến việc cấp sai đối tượng, các đương sự sử dụng giấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không hợp pháp, thế chấp ngân hàng để vay vốn đã dẫn đến hậu quả bảo lãnh vô hiệu.
Những dạng vi phạm của các nhóm chủ thể nêu trên được xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, đã tạo điều kiện cho những vi phạm này có “đất” phát triển, gây thiệt hại cho Nhà nước, thiệt hại cho các tổ chức tín dụng, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống tài chính...
Bài 4: Sự cám dỗ của 'miếng bánh' ngân hàng