Đây là vụ án thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội trong và ngoài nước bởi hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng của các bị cáo diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, nhiều bị cáo từng giữ chức vụ cao. Vụ án thể hiện sự quyết tâm xử lý tội phạm tham nhũng “không có vùng cấm” của Đảng, Nhà nước.
Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết nhìn lại vụ án để xâu chuỗi các hành vi phạm tội từ “thói nhũng nhiễu” của một bộ phận công chức Nhà nước trong quá trình thực thi công vụ đến sự chuyển hóa về mặt nhận thức của các bị cáo tại phiên tòa.
Bài 1: Sáng tỏ và minh bạch
Quá trình xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu”, nhiều nội dung, tình tiết và hành vi của các bị cáo đã được làm sáng tỏ và minh bạch, bộc lộ sự trục lợi của các bị cáo trong thực hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước. Trong “cơ chế ngầm” đưa - nhận hối lộ và các hành vi liên quan, các cơ quan tố tụng đã sử dụng một cách thuyết phục những chứng cứ trực tiếp và gián tiếp để khẳng định hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo trong vụ án.
Trục lợi từ dịch bệnh
Bản án sơ thẩm nhận định, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, trong đó nhiều bị cáo bị truy tố, xét xử về tội đặc biệt nghiêm trọng, hành vi mang tính chất nguy hiểm cho xã hội. Một số bị cáo chưa thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải. Hành vi phạm tội của các bị cáo gây bức xúc trong xã hội, bất bình trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan nhà nước.
Hành vi nhận hối lộ của các bị cáo trong vụ án này xảy ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương khác nhau, các bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy cơ quan nhà nước, được phân công giải quyết công việc thuộc chức trách nhiệm vụ của mình nhưng đã không thực hiện đúng kỷ luật công vụ, lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh, nhiều lần nhận tiền, lợi ích vật chất từ đại diện các doanh nghiệp, cá nhân để hưởng lợi bất chính. Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội bằng cách nhũng nhiễu, gây khó khăn, tạo ra cơ chế xin cho buộc đại diện các doanh nghiệp phải đưa chi phí “bôi trơn”, đưa hối lộ để được cấp phép các chuyến bay.
Thủ đoạn phạm tội của các bị cáo được thể hiện dưới 2 dạng chính: Các bị cáo nhận hối lộ đưa ra yêu cầu, thỏa thuận, mặc cả về giá buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền; gây khó khăn cho các doanh nghiệp, thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm công vụ của mình; mập mờ, không minh bạch trong việc thẩm định, đề xuất, duyệt cấp phép các chuyến bay… dẫn đến các doanh nghiệp phải chi tiền theo “Luật bất thành văn” thì mới được cấp phép thực hiện chuyến bay, xin chủ trương cách ly y tế. Một số bị cáo phạm tội có tính chất đồng phạm, thông đồng và thống nhất chia sẻ số tiền nhận hối lộ.
Các bị cáo Trần Việt Thái, Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương (cựu cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Malaysia) đã tổ chức thu tiền của thân nhân những người mãn hạn tù và những người bị lưu giữ trong các trại chờ tại Malaysia vượt quá chi phí thực tế, ghi hóa đơn, biên lai không đúng mức tiền đã thu, sử dụng số tiền đã thu vượt quá quy định, gây thiệt hại số tiền hơn 10 tỷ đồng cho những người nộp tiền. Hội đồng xét xử đánh giá hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh của Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài nói chung và tại Malaysia nói riêng, phải xử lý thích đáng.
Đối với nhóm bị cáo đưa hối lộ, bản án sơ thẩm đánh giá, với mục đích tìm kiếm lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã thực hiện hành vi đưa hối lộ cho những người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, nhằm được tạo điều kiện trong việc xin chủ trương cách ly y tế, xin cấp phép tổ chức chuyến bay. Hành vi của các bị cáo là vi phạm pháp luật, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước, ảnh hưởng xấu đến hoạt động công vụ. Việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ của các bị cáo xảy ra tại các bộ, ngành trong Tổ công tác 5 Bộ đã làm giảm sút uy tín của các cơ quan hành chính nhà nước tại Trung ương và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Một số bị cáo đưa hối lộ để được cấp phép chuyến bay, sau đó bán giấy phép để trục lợi. Một số bị cáo môi giới hối lộ để chia lợi nhuận cũng vì mục đích trục lợi cá nhân. Do đó, cũng phải bị áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
Trong phần tranh luận, một số luật sư và bị cáo (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Nguyễn Quang Linh…) cho rằng hành vi đưa - nhận tiền của các bị cáo không có sự hứa hẹn, thỏa thuận, đòi hỏi mà chỉ là doanh nghiệp cảm ơn khi các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các chuyến bay.
Theo đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa, hành vi đưa - nhận tiền của các bị cáo được diễn ra xuyên suốt trong một thời gian dài, phần lớn các bị cáo đưa - nhận hối lộ không quen biết nhau, không có mối quan hệ công việc, làm ăn hay góp vốn kinh doanh, không thể có những món quà “cảm ơn” có giá trị rất lớn và bất thường “tiền tỷ” nếu như không làm việc gì đó theo yêu cầu của người đưa tiền. Việc hứa hẹn giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ là cơ chế “ngầm định” theo lời khai của các cá nhân đại diện doanh nghiệp và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Hành vi của các bị cáo nhận hối lộ đã gián tiếp buộc doanh nghiệp đưa hối lộ phải nâng giá vé máy bay và các chi phí khác để bù đắp vào chi phí “bôi trơn” của doanh nghiệp. Người phải chịu thiệt thòi ở đây là những công dân Việt Nam ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, mong muốn được về nước.
Công tố viên nhấn mạnh, trong khi Đảng, Nhà nước ta quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, tìm mọi cách để đưa công dân về nước tránh dịch với phương châm “không bỏ ai lại phía sau”, các bị cáo lại có hành động trục lợi các chính sách đúng đắn, nhân đạo của Nhà nước, tạo ra cơ chế “xin - cho”, “liên minh lợi ích”... để kiếm tiền trong sự khó khăn cùng cực của người dân. Đây là một hình thức tham nhũng rất nguy hiểm, trực tiếp xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, làm mất niềm tin của quần chúng nhân dân trong và ngoài nước.
Sử dụng chứng cứ gián tiếp
Trong số các bị cáo, Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) là người liên tục kêu oan, không thừa nhận nội dung cáo trạng cáo buộc bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD của Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky). Lý lẽ Hưng đưa ra là cơ quan tố tụng chỉ chứng minh được Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội) đưa cặp cho Hưng mà không chứng minh được trong cặp có 450.000 USD. Hưng cho rằng cơ quan tố tụng chưa đủ chứng cứ đã buộc tội Hưng lừa đảo chiếm đoạt tài sản là vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội.
Trên thực tế, việc đưa - nhận tiền trong các vụ án, nhất là việc đưa tiền trực tiếp nhằm mục đích che giấu hành vi khác, rất khó tìm được chứng cứ trực tiếp, trừ trường hợp bắt quả tang. Việc đưa - nhận tiền thường được tiến hành một cách kín đáo, tinh vi. Để chứng minh cho hành vi đưa - nhận tiền này, các cơ quan tố tụng thường sử dụng hệ thống chứng cứ gián tiếp, thông qua lời khai của bị can, bị cáo và những tài liệu khác chứng minh nguồn tiền, mối liên hệ giữa các bên… Việc quyết định công nhận lời khai nào là phụ thuộc vào tính hợp lý, sự lôgic và thống nhất trong lời khai của từng nhóm bị can, bị cáo…
Cụ thể, trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, bị cáo Hoàng Văn Hưng cho rằng lời khai của Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Bluesky) là không khách quan, sai sự thật, có sự bàn bạc, thông đồng trước với nhau.
Trong khi đó, theo đại diện Viện Kiểm sát, trong suốt quá trình điều tra, Sơn, Tuấn bị tạm giam tại các Trại tạm giam khác nhau, Hằng được tại ngoại, không có sự liên hệ nào, gia đình không được thăm gặp, không được tiếp xúc riêng với luật sư, nhưng lời khai đều thống nhất với nhau về hành vi của bị cáo. Đặc biệt, có những thông tin về hoạt động điều tra mà Hằng, Tuấn không thể biết được nếu không có sự trao đổi thông tin từ bị cáo (như: Hằng tự thủ sẽ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật như trường hợp bị cáo Lê Văn Nghĩa - Công ty Nhật Minh).
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã tiến hành đối chất giữa Hưng với Tuấn và Hằng, giải trình về các nội dung liên quan đến vụ án. Khi đó, Hưng mới thừa nhận đã hướng dẫn Hằng viết bản tự khai, bổ sung nơi nhận là Viện Kiểm sát, nêu khó khăn vướng mắc trong việc tổ chức chuyến bay. Bị cáo còn khai đã mang các bản tường trình của Hằng về nhà, nhưng hiện không biết ở đâu hoặc bị cáo đã tiêu hủy.
Tại giai đoạn điều tra, ban đầu, Hưng khai không nhận tiền hoặc bất cứ lợi ích vật chất nào từ Tuấn, Hằng. Đến ngày 24/3/2023, khi Cơ quan điều tra công bố các hình ảnh từ camera thể hiện Hưng đã nhận 1 chiếc cặp của bị cáo Tuấn do anh Trình Văn Huy chuyển đến, bị cáo mới xác nhận có nhận chiếc cặp trên và giải trình trong cặp có 4 chai rượu vang, khi được hỏi về chiếc vali trên hiện để đâu, Hưng cũng không cung cấp cho Cơ quan điều tra. Các lời khai của Hưng là có mâu thuẫn, không thống nhất, thể hiện sự khai báo không thành khẩn của bị cáo nên không có cơ sở chấp nhận. Do vậy, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát quyết định công nhận lời khai của bị cáo Tuấn và Hằng, xác định Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD của Hằng.
Việc buộc tội và kết án các bị cáo trong vụ án được các cơ quan tố tụng dựa trên hồ sơ, tài liệu thu thập được, dựa trên sự thuyết phục của các lời khai và sự logic của các chứng cứ… đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bài cuối: Từ chuyển biến nhận thức đến phân hóa tội phạm