Quy định chi tiết về Luật xuất bản

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 195/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản. Nghị định này gồm 5 chương 26 điều quy định rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước và thực hiện chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản; tổ chức và hoạt động trong các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm và xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử.

Trong đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản là chủ trì, phối hợp xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động xuất bản, quyền tác giả và quyền liên quan trong hoạt động xuất bản cũng như các biện pháp phòng, chống in lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm. Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong hoạt động xuất bản; đào tào, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động xuất bản; quản lý và tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động xuất bản.

Bộ Thông tin và Truyền thông được phép cấp, cấp đổi, cấp lại, gia hạn, thu hồi các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề, xác nhận đăng ký trong hoạt động xuất bản theo quy định của Luật xuất bản và Nghị định này. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ hướng dẫn, thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, thống kê và ban hành thống nhất các biểu mẫu sử dụng trong hoạt động xuất bản; yêu cầu tổ chức, cá nhân đình chỉ việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật trong hoạt động xuất bản theo thẩm quyền.

Chế độ thông tin, báo cáo trong hoạt động xuất bản, Nghị định quy định rõ: Cơ quan chủ quản nhà xuất bản và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong các lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo quy định. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động xuất bản và công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tại địa phương. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.

Về điều kiện thành lập và bảo đảm hoạt động của nhà xuất bản, Nghị định nêu rõ ngoài điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 13 của Luật xuất bản, nhà xuất bản phải có đủ các điều kiện: Trụ sở của nhà xuất bản có diện tích từ 200 m2 sử dụng trở lên; có ít nhất 5 tỷ đồng để bảo đảm hoạt động xuất bản; có đủ trang thiết bị để tổ chức xuất bản.

Ngoài ra, trong quá trình hoạt động, cơ quan chủ quản nhà xuất bản có trách nhiệm duy trì các điều kiện thành lập nhà xuất bản. Cơ quan chủ quản và nhà xuất bản bảo đảm kinh phí hàng năm ít nhất 5 tỷ đồng để nhà xuất bản thực hiện nhiệm vụ xuất bản theo tôn chỉ, mục đích của nhà xuất bản.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2014.


TTXVN/Tin tức



Luật xuất bản (sửa đổi): “Nên phân cấp mạnh hơn cho địa phương quản lý”

Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi). Bà Trần Hồng Thắm (ảnh), đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã có cuộc trao đổi với báo chí về những vấn đề xung quanh dự thảo luật này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN