Cuối năm 2013, TTXVN đã có bài viết "Rừng gỗ pơmu Hoàng Liên- Văn Bàn đang bị "xẻ thịt" và tỉnh Lai Châu đã sớm vào cuộc ngăn chặn hiện tượng vận chuyển, thu gom, tiêu thụ gỗ pơmu từ Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên- Văn Bàn. Nay tình trạng khai thác gỗ Pơ Mu lại ngang nhiên tái diễn tại khu vực bản Hua Than, xã Mường Than, huyện Than Uyên (Lai Châu) - khu vực giáp ranh hai huyện Văn Bàn (Lào Cai) và huyện Than Uyên. Lâm tặc ngang nhiên vác cưa máy đi khai thác. |
* Rừng Hoàng Liên đang bị đốn hạ từng ngàyTrở lại bản Hua Than, xã Mường Than, huyện Than Uyên vào những ngày cuối năm, chúng tôi được nghe nhiều hơn những câu chuyện của người dân xung quanh việc khai thác gỗ lậu trong rừng Quốc gia Hoàng Liên. Theo bà con nơi đây, mỗi ngày có đến hàng chục lượt người “đổ xô” vào rừng để kéo, vác gỗ về dựng nhà và bán cho các đầu nậu tại các xưởng gỗ địa phương.
Là người dân sinh sống ngay cạnh đường giao thông nội bản (tuyến đường huyết mạch nối từ Quốc lộ 32 vào bản Hua Than), chị Tráng Mai D, dân tộc Mông ở bản Hua Than chia sẻ: “Gần một tháng trở lại đây, người dân ở đâu kéo về đây lấy gỗ rất đông. Mỗi ngày có từng đoàn người đưa gỗ từ sâu trong núi về qua bản, rồi các xe máy đợi sẵn chở đi. Cứ nhìn con đường mòn phía sau bản là biết thực trạng này đang diễn ra nhức nhối đến mức nào”.
Sự bức xúc của chị D cũng là lo lắng của trưởng bản Hua Than Sùng A Vàng. Nhà trưởng bản nằm ở cuối con đường “tuồn” gỗ xuống nên những động tĩnh cũng như thời gian hoạt động, vận chuyển gỗ lậu đều được ông nắm rõ trong lòng bàn tay. Nói đến vấn đề này, ông Sùng A Vàng thở dài: “Nạn khai thác gỗ lậu vẫn chưa dừng lại, thậm chí còn nhiều hơn trước đây. Từ đàn ông, đàn bà đến thanh niên lần lượt kéo nhau lên rừng đốn gỗ. Đàn ông còn mang lương thực, chăn màn ngủ lại rừng tiện cho việc khai thác, còn đàn bà bắt đầu đi từ 5-6 giờ sáng. Họ hẹn nhau tại điểm tập kết, giao gỗ cho nhau sau khoảng 3 tiếng leo núi, sau đó vác gỗ về. Để tránh bị lộ, “lâm tặc” còn chọn thời điểm giữa trưa và chiều muộn để vận chuyển. Phía dưới đường, nhiều xe máy sẵn sàng bốc gỗ chở đi”.
Súng kíp được lâm tặc sử dụng khi vào rưng khai thác gỗ. |
Như để chứng minh cho những gì vừa nói, trưởng bản đồng ý đưa chúng tôi đi “mục sở thị” theo những vệt dài do gỗ tạo ra trên đường mòn dựng ngược nối từ phía sau bản. Con đường này “cắm” thẳng vào cánh rừng gỗ quý Hoàng Liên. Ông Vàng cho hay, đường trước đây chỉ là tuyến dân sinh để người dân trong bản lên nương làm thảo quả. Chục năm trở lại đây, tuyến đường trở nên khó đi hơn vì bị "lâm tặc" mở rộng để dễ dàng kéo gỗ.
Theo đường mòn khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi bắt gặp hơn chục người đang vác những tấm gỗ to và khá nặng. Thấy bóng người lạ, đoàn người ngập ngừng dừng lại. Đến đây, một thanh niên tách tốp, đi lên trước như dò xét. “Đi lấy gỗ về làm nhà thôi, không phải khai thác để bán đâu” - người thanh niên này nói với chúng tôi. Rồi như thấy không có vấn đề gì, người thanh niên này ra hiệu cho toán người phía sau tiếp tục hành trình đưa gỗ ra.
Qua quan sát, rất nhiều tấm gỗ có chiều dài trên dưới 2m, rộng từ 40-50cm, một số thanh niên còn vác cả cưa máy, mang tư trang và súng kíp theo. Chúng tôi gặng hỏi tên tuổi và địa chỉ nhưng đều nhận những cái lắc đầu. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đếm được khoảng 20 tấm gỗ vẫn còn thơm mùi nhựa...
Lâm tặc ngang nhiên vác gỗ ra khỏi rừng sau khi khai thác trái phép. |
Trưởng bản Sùng A Vàng băn khoăn, không biết mỗi ngày sẽ có bao nhiêu cây cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ. Thực tế chính những "lâm tặc" này là người dân địa phương trong huyện Than Uyên vào khai thác. Biết rằng việc chặt phá rừng lấy gỗ là vi phạm pháp luật nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên họ đành làm liều. Và do vậy, những cây gỗ Pơ Mu của rừng Quốc gia Hoàng Liên vẫn đang từng ngày bị đốn hạ không thương tiếc.
* Cần ngăn chặn ngay nạn phá rừng Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời điểm lâm tặc khai thác gỗ rầm rộ nhất thường vào trước những dịp lễ tết khi nhu cầu chi tiêu cho gia đình tăng lên. Và vào rưng khai thác gỗ trộm mang đi bán trở thành hình thức kiếm lời. Người khỏe có thể vác và kéo 2 tấm gỗ Pơ Mu với mỗi tấm bình quân nặng 28-30kg. Với mỗi lần trót lọt, người dân được các đầu nậu trả với giá từ 500.000 - 800.000 đồng, thậm chí cả triệu đồng, một khoản lợi nhuận cực lớn.
Nhiều tâm gỗ to, dài và nặng được vác khỏi rừng... |
Không chỉ ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên rừng, việc khai thác gỗ lậu còn làm xáo trộn cuộc sống của bà con ở bản Hua Than khi người dân ở địa bàn khác di chuyển đến gây mất an ninh trật tự. Theo phản ánh của đồng bào nơi đây, kể từ khi việc khai thác gỗ lậu diễn ra thì những nương thảo quả cũng bị bẻ gãy.
“Vào mỗi mùa thu hoạch, bà con phải làm lán thu hái và trông để thảo quả không bị mất. Nhiều nương thảo quả còn bị gỗ làm hư hỏng không phát triển được. Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên kiểm soát khu vực bản Hua Than nhưng lực lượng mỏng, trong khi đó, mỗi khi xuất hiện, các đối tượng đều thông tin cho nhau để tránh bị bắt. Đã nhiều lần bà con trong bản phản ánh tình trạng khai thác gỗ trái phép này với chính quyền các cấp nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời. Theo tôi cần lập các trạm chốt ở vị trí đường hẹp để phần nào ngăn chặn được” - ông Trưởng bản Hua Than nói thêm.
Ở bản Hua Than bây giờ, không khó để chứng kiến "lâm tặc" ngang nhiên vác gỗ ra khỏi rừng. Hàng ngày, không biết có bao nhiêu cây cổ thụ trong rừng bị đốn hạ để "lâm tặc" thu lợi bất chính.
Duy Quang