Gõ từ khóa tìm kiếm “vay tiền” trên mạng xã hội thì từ trang cá nhân đến chiếc điện thoại của bạn sẽ ngập tràn thông tin cho vay và từ đây, các đối tượng tín dụng “đen” núp bóng dưới nhiều vỏ bọc là các công ty tài chính, bất động sản nhằm lách vào những kẽ hở của luật pháp để giở các chiêu trò.
Dùng mồi nhử trá hình
Chỉ với vài thao tác đơn giản trên các công cụ tìm kiếm như Zalo, Facebook, tôi đã nhận được vô số thông tin về các dịch vụ cho vay, hỗ trợ và tư vấn tài chính.
Liên hệ với một trong các số điện thoại để lại, tôi được tư vấn đây là một nhóm nhân viên của ngân hàng, có nguồn tiền nhàn rỗi có thể cho vay kể cả khách hàng có lịch sử nợ xấu. Nếu vay nhiều họ sẽ làm hợp đồng, tài sản thế chấp như xe máy, ô tô hay nhà đất chỉ để cho hợp thức thôi chứ không xử lý tải sản đảm bảo nếu chậm trả và đặc biệt là lãi suất cho vay chỉ bằng hoặc thấp hơn ngân hàng.
Nhớ đến cuộc trao đổi với Trung tá Phạm Văn Quang, Công an tỉnh Hải Dương, tôi liền đặt câu hỏi là sao vay nhiều tiền mà thủ tục chỉ đơn giản vậy? Câu trả lời là những tiếng cười: “Anh cứ chuẩn bị một số giấy tờ như em dặn và gặp bọn em là sẽ biết”...
Đem những thắc mắc này hỏi chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu thì ông khẳng định ngay: “Sẽ rất nguy hiểm bởi trong các hợp đồng sẽ có những điều khoản, phụ lục nhỏ mà người dân không hiểu biết ký vào cùng với việc họ có trong tay giấy tờ nhà đất thì chỉ cần công chứng giấy tờ là có thể tài sản đã không còn trong tay bạn. Thế nên việc cho vay thấp hơn mức lãi suất ngân hàng và không cần tài sản đảm bảo rất có thể chỉ là mồi nhử trá hình”.
Thực tế về một vụ việc ở Gia Lâm mới đây đã chứng minh đây chính là những mồi nhử và cùng là một loại bẫy tín dụng “đen”. Bà Nguyễn Thị Bắc (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cần tiền vay gấp 600 triệu đồng, được bạn bè giới thiệu gặp một người tên Phương, được giới thiệu là cán bộ ngân hàng. Phương liên kết với công ty tài chính cho vay thủ tục nhanh chóng, lãi suất chỉ bằng lãi suất cho vay của ngân hàng. Bà Bắc đã phải dùng sổ đỏ để đảm bảo cho khoản vay.
Theo hướng dẫn của các đối tượng, bà Bắc cần phải ký vào một số giấy tờ trong đó có giấy chuyển nhượng căn nhà 142m cho họ để làm tin. Các đối tượng ký cam kết với bà, đây không phải là giao dịch thật, chỉ là thủ tục để đảm bảo cho khoản vay và cam kết sẽ không bán nhà của bà cho các bên khác.
Tuy nhiên sau đó, chúng đã sang tên ngôi nhà và mang đi thế chấp vay ngân hàng với số tiền lớn. Không chỉ có gia đình bà Bắc mà nhiều gia đình ở khu vực này cũng bị rơi vào tình trạng tương tự khi cứ nghĩ tìm được chỗ vay rẻ và chỉ phát hiện bị lừa khi ngân hàng đến phát mãi nhà.
Người dân cho biết, hiện các ngân hàng đang yêu cầu họ phải trả nợ thay cả gốc lẫn lãi cho các đối tượng lừa đảo, nếu không sẽ bị phát mãi nhà. Số tiền họ sẽ phải trả gấp 7 - 10 lần khoản tiền mà các đối tượng lừa đảo cho họ vay. Theo lời những người dân trong vụ việc này thì họ không thấy ngân hàng đến thẩm định nhà đất mà họ cũng không gặp công chứng viên nào cả.
Trao đổi lại vấn đề này với chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu thì được biết, ở nước ngoài, việc chuyển giao tất cả mọi giao dịch bất động sản đều phải qua một công ty bảo hiểm quyền sở hữu địa ốc. Công ty bảo hiểm này sẽ điều tra miếng đất này thuộc về ai, có nợ bao nhiêu và lịch sử chuyển nhượng thế nào. Điều này thì ở Việt Nam chưa có.
Có thể nhận thấy, qua câu chuyện được phản ánh trên thì việc người dân không hiểu biết là một phần nhưng cũng cần xem lại việc công chứng mua bán và thẩm định nhà đất có dấu hiệu bất thường không?
Con nợ thời công nghệ
Nếu một ngày trang mạng xã hội cá nhân của bạn như Facebook, Zalo bất chợt xuất hiện hình ảnh của một người quen được đăng lên với những lời lẽ chửi bới thô tục cùng với thông tin cá nhân và số tiền nợ thì lúc đó người quen của bạn đã bỏ trốn và không thể liên lạc được.
Bằng hình thức lập những nhóm trên facebook như: Nợ xấu miền bắc, Truy tìm nợ xấu, Nợ xấu Hà Nội... với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Các chủ nợ liên kết ở đây để trao đổi thông tin về các con nợ, cách thức truy tìm và chiêu trò đòi nợ. Hình thức đòi nợ kiểu này chẳng ngơi nghỉ dù là giãn cách xã hội hay dịch bệnh COVID-19.
Anh Nguyễn Hà, một người từng có lúc là con nợ của thời công nghệ này chua xót thừa nhận: không nghĩ rằng việc đòi nợ kinh hoàng đến vậy, không chỉ trên mạng xã hội mà những khoản tiền anh vay từ các dịch vụ cho vay tiền nhanh thông qua các app (ứng dụng) trên điện thoại di động cũng có kiểu đòi nợ ngoài sức tưởng tượng.
Anh nhớ vay lần đầu của một app được tối đa 1,7 triệu đồng nhưng thực tế anh chỉ nhận được hơn 1,4 triệu đồng, còn lại là phí dịch vụ. Trong vòng 8 ngày, anh phải trả cả gốc lẫn lãi hơn 2 triệu đồng. Nếu trả chậm sẽ bị phạt hơn 100.000 đồng/ngày.
Đúng đợt dịch bệnh, thu nhập bị cắt giảm, anh Hà không thể trả nợ đúng hạn. Bộ phận thu hồi nợ của app dịch vụ này đã đe dọa, chửi bới anh và tất cả những người thân, bạn bè lưu số trên danh bạ điện thoại của anh (bị lấy cắp lúc vay app). Trong lúc tinh thần bị khủng bố thì lại có những app khác gửi lời mời chào vay, vậy là anh nhắm mắt vay tiếp, thế rồi cứ lấy tiền vay chỗ này trả cho chỗ khác và anh trở thành con nợ của 5 app cho vay.
Theo Trung tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương, mới đây Công an tỉnh Bình Dương nhận được sự ủy thác điều tra của Công an thành phố Hồ Chí Minh đã bắt giữ một nhóm đối tượng người Trung Quốc cấu kết với các đối tượng người Việt Nam tạo ra các ứng dụng (app) cho vay qua mạng internet, có tới 60.000 người vay chịu lãi suất lên tới 1.095%/năm. Khách hàng là "con nợ" ở khắp các tỉnh, thành tại Việt Nam, riêng địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 100 người.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hồ Chí Minh, nhóm người trên hoạt động, cung cấp các dịch vụ cho vay tiền nhanh thông qua các app (ứng dụng) trên điện thoại di động như "Vaytocdo", "Moreloan" và "VD online" với lãi suất rất cao. Số tiền mỗi lần vay không nhiều chỉ từ 1,5 đến 3 triệu đồng sau khoảng 8 ngày vay thì người vay sẽ phải trả cả gốc. Nếu được vay 1,5 triệu đồng thì thực tế chỉ được nhận 900.000 đồng, còn lại là phí dịch vụ. Tính ra, người vay phải trả lãi suất lên đến 3%/ngày, tương đương 21%/tuần, 90%/tháng và 1.095%/năm.
Có thể nhận thấy, những biến tướng của hoạt động tín dụng “đen” như những chiếc vòi của con bạch tuộc, cứ chặt vòi này thì cái vòi khác lại vươn ra, khó để xóa bỏ tận gốc.
Sóng ngầm tín dụng đen và hệ lụy - Bài 3: Vì sao khó triệt tận gốc tín dụng đen?