Hoàn thiện khung pháp lý về cho vay ngang hàng
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần cảnh báo về biến tướng của hoạt động cho vay này khi một số đối tượng núp bóng “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng các app cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp khiến nhiều lao động gặp khó khăn thì hoạt động tín dụng đen càng mang tới nhiều rủi ro cho người đi vay.
Để hạn chế tín dụng đen, ông Minh cho rằng, cần phát huy hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng uy tín; đồng thời, kiểm soát rủi ro, hạn chế tồn tại phát sinh liên quan về lãi suất, phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Trước đà phát triển mạnh của thị trường tài chính tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 18 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Điều đáng nói, Thông tư này có quy định về văn hóa đòi nợ của các công ty tài chính. Đây là vấn đề gây nhiều lo ngại cho dư luận, xã hội trong thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu hoạt động của các công ty tài chính phải công khai, minh bạch các vấn đề về lãi suất, các loại phí, hồ sơ vay vốn, phương pháp tính lãi...
Với cơ sở pháp lý mới này, các chuyên gia cho rằng, thị trường tài chính tiêu dùng sẽ hoạt động theo hướng tích cực, thuận lợi, an toàn và minh bạch hơn, đặc biệt trong xu hướng số hóa.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trong Luật Đầu tư (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực vào 1/1/2021. Với quy định này, các công ty tài chính sẽ phải điều chỉnh mô hình thu hồi nợ của mình. Khi đó, sẽ hạn chế những vụ việc dồn, ép “con nợ” dẫn đến những vụ việc đau lòng như trường hợp của ông L.T.T ở phường 14, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh vừa qua.
Đáng chú ý, để tạo hành lang pháp lý cho hoạt động cho vay ngang hàng, hạn chế các app cho vay bất hợp pháp, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.
Theo đó, các lĩnh vực Fintech được tham gia cơ chế thử nghiệm bao gồm thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P Lending), hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo… Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech là 1 - 2 năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể.
Ngoài việc hoàn thiện khung pháp lý về vay tiêu dùng, các chuyên gia cũng cho rằng, người dân cần ý thức những rủi ro, hệ lụy khi vay tín dụng đen, cũng như cần cảnh giác với bẫy vay nhanh, vay nóng qua các app cho vay trực tuyến bất hợp pháp hiện nay. Còn phía ngân hàng cần có những biện pháp hiệu quả để thúc đẩy cho vay tiêu dùng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Đưa tín dụng chính sách đến người nghèo
Theo ông Trương Hồng Sơn - Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, để khắc phục tình trạng công nhân vay tín dụng đen, nhất là sau đại dịch COVID-19, các cấp công đoàn thành phố đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền đến tận công sở, cơ quan, xí nghiệp và người lao động thông qua các buổi sinh hoạt, hoạt động công đoàn.
Ngoài việc thường xuyên tuyên truyền vận động trong công nhân lao động không tham gia các hoạt động của tín dụng đen, vay tiền qua app, Liên đoàn Lao động thành phố còn thúc đẩy phát triển nhanh hoạt động của Tổ chức Tài chính vi mô - CEP (tiền thân Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm) đến tận các cơ sở, quận - huyện. Đây là một trong những chương trình hành động cụ thể của Liên đoàn Lao động thành phố trong việc tham gia xây dựng chiến lược giảm nghèo và tạo việc làm bền vững trong công nhân, lao động.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc chi nhánh CEP Quận 8 chia sẻ, lúc đầu nhiều lao động chưa biết về CEP nên còn lo ngại về cách thức cho vay và sợ thủ tục rườm rà, liên đới đến nhiều người, tổ chức để xác nhận. Tuy nhiên, khi họ đến vay mới thấy hoạt động của CEP chủ yếu phục vụ cho đoàn viên công đoàn, người lao động, hộ nghèo. Quan trọng hơn, Quỹ không thu bất kỳ khoản phí nào, không phải trả lãi trước, giải ngân trong vòng 7 ngày cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác nên đã thu hút không ít lao động tham gia.
"Điều cốt lõi là nhân viên tư vấn của CEP phải xác định người cho vay; thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tư vấn và tìm giải pháp giúp người lao động, hộ nghèo trả nợ tùy theo hoàn cảnh và tất toán thuận lợi, dễ dàng khi tham gia giao dịch tại CEP. Đây cũng là một trong những tiêu chí của CEP từ khi mới thành lập nhằm giải quyết việc làm, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động. Đặc biệt là hỗ trợ người lao động, xóa các tín dụng đen, vay qua app hay vay với lãi suất cao đã và đang âm thầm diễn ra ở các doanh nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố" - ông Tuấn cho biết.
Ông Hoàng Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên CEP cũng cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, CEP đã thực hiện nhiều giải pháp giãn, giảm lãi suất cho công nhân và cả hộ nghèo đang vay vốn; đồng thời, thực hiện nhiều hoạt động xã hội như tặng gạo, nhu yếu phẩm, chi phí sinh hoạt cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, có tham gia giao dịch tại CEF.
Các sản phẩm, dịch vụ CEP cung cấp cho công nhân, lao động nghèo hiện nay bao gồm: sản phẩm tín dụng nhỏ tự tạo việc làm, tăng thu nhập (lãi suất bình quân từ 0,6-0,65%/tháng, mức vay tối đa 50 triệu đồng); sản phẩm tín dụng sửa chữa nhà (lãi suất bình quân 0,6%/tháng, mức vay tối đa 50 triệu đồng); sản phẩm tín dụng học nghề (lãi suất bình quân 0,5%/tháng, mức vay tối đa 30 triệu đồng); sản phẩm cho vay khẩn cấp (lãi suất bình quân 0,5%/tháng, mức vay tối đa 15 triệu đồng)…
Trong câu chuyện tiếp vốn cho thị trường và người dân, Ngân hàng Chính sách Xã hội Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện nhiều chương trình tín dụng cho các đối tượng yếu thế để hạn chế tín dụng đen.
Tính đến cuối tháng 5/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố đạt 5.079 tỷ đồng, tăng 12,8% so với thời điểm cuối năm 2019, với 142.784 khách hàng còn dư nợ.
Dòng vốn này tập trung vào một số chương trình như cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và giải quyết việc làm; cho vay Quỹ Xóa đói giảm nghèo của thành phố. Các chương trình tín dụng chính sách đều có sự tăng trưởng; trong đó chương trình cho vay giải quyết việc làm tăng nhiều nhất, tăng 542 tỷ đồng so với cuối năm 2019.
Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, đã có gần 346.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, kịp thời khắc phục thiệt hại sau đại dịch COVID-19…