Tháo gỡ hiệu quả 'nút thắt' các vụ việc tranh chấp nhờ hòa giải, đối thoại

Sau hơn 1 tháng thí điểm, hoạt động của các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Hà Nội đã đạt được kết quả ban đầu khả quan với tổng số hơn 220 vụ việc thành công, chiếm trên 42% tổng số vụ việc đã tiếp nhận.

Hà Nội là một trong 15 tỉnh, thành phố được Tòa án nhân dân Tối cao thí điểm tổ chức hoạt động Trung tâm hòa giải, đối thoại với nhiệm vụ hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết.

Chú thích ảnh
Đối thoại viên làm nhiệm vụ hòa giải với đương sự tại Trung tâm hòa giải, đối thoại của thành phố Hà Nội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bước tiến mới trong cải cách tư pháp 

Ngay từ kế hoạch thí điểm ban đầu, mô hình hoạt động của các Trung tâm hòa giải, đối thoại được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều hiệu quả trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính, lao động, kinh doanh thương mại... Đây là phương thức đặt ra nhằm giải quyết hiệu quả các tranh chấp, không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và của xã hội; đồng thời hạn chế kháng cáo, kháng nghị, tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giúp giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án trong bối cảnh số lượng biên chế của Tòa án còn hạn chế và số lượng các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp.  

Thực hiện kế hoạch này, đầu tháng 11/2018, Hà Nội đã triển khai thành lập 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân 15 quận, huyện và tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Các Trung tâm này được giao nhiệm vụ tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (Luật tố tụng Hành chính không được hòa giải, đối thoại). 

Tại các Trung tâm hòa giải, đối thoại, Tòa án 2 cấp thành phố Hà Nội đều ưu tiên bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để đi vào hoạt động ngay. 85 hòa giải viên, đối thoại viên tại 16 Trung tâm được lựa chọn từ các thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, thanh tra viên đã nghỉ hưu, nhiệt tình, có trình độ pháp luật cao, có quá trình công tác tại các cơ quan tố tụng. Những hòa giải viên, đối thoại viên này có khá nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong cộng đồng và quan trọng hơn cả là có sự nhạy bén, khéo léo, cùng với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. 

Theo quy định, quá trình hòa giải, đối thoại, các hòa giải viên, đối thoại viên là những người trung lập, khách quan, hỗ trợ các bên thỏa thuận, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Những lời khai của người tham gia hòa giải, đối thoại không được sử dụng làm chứng cứ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật; trường hợp các bên yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành thì quyết định này có hiệu lực thi hành như bản án, quyết định của Tòa án; chi phí, bồi dưỡng cho hòa giải viên, đối thoại viên do Tòa án chi trả, các bên không phải chi trả bất cứ khoản thù lao nào cho hòa giải viên, đối thoại viên. 

Sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, 16 Trung tâm hòa giải, đối thoại của thành phố Hà Nội đã tiếp nhận tổng số 572 vụ việc, trong đó các Trung tâm đã tiến hành hòa giải, đối thoại thành công được 223 vụ việc, đạt tỷ lệ hơn 42% tổng số vụ việc đã tiếp nhận. Đây là thành công bước đầu đáng khích lệ khi lần đầu tiên Hà Nội tiến hành thí điểm hoạt động Trung tâm hòa giải, đối thoại. 

Tháo “nút thắt” trong từng vụ việc tranh chấp 

Trong số 223 vụ việc hòa giải thành, trường hợp được nhắc đến nhiều nhất là vụ kiện của Tổ chức Viện trợ nhân dân Nauy tại Việt Nam (địa chỉ tại Khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc, Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) đối với ông Hà Tiến Dũng (ở ngõ 31 Xuân Diệu, quận Tây Hồ, Hà Nội) về việc giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê nhà. Cụ thể, Tổ chức Viện trợ nhân dân Nauy tại Việt nam đã ký hợp đồng thuê nhà của ông Dũng (từ tháng 2/2011 đến hết tháng 6/2017) và đã đặt cọc 66 triệu đồng cho ông Dũng. Theo thỏa thuận, ông Dũng có trách nhiệm hoàn trả lại cho Tổ chức Viện trợ nhân dân Nauy tại Việt Nam khoản tiền đặt cọc này trong vòng 10 ngày kể từ ngày thanh lý hợp đồng.  

Ngày 30/6/2017, 2 bên thanh lý hợp đồng. Từ đó đến nay đã hơn 1 năm, mặc dù phía bên thuê đã thanh toán toàn bộ các chi phí phát sinh (điện, nước, vệ sinh…), nhưng ông Dũng vẫn không hoàn trả lại bên thuê số tiền đã đặt cọc nêu trên. Tổ chức Viện trợ nhân dân Nauy tại Việt Nam đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị giải quyết tranh chấp hợp đồng thuê nhà. 

Tiến hành hòa giải vụ việc, các hòa giải viên của Trung tâm đã phân tích các cơ sở pháp lý của bản hợp đồng thuê nhà, các quyền lợi, nghĩa vụ của 2 bên phải thực hiện… Hiểu được đúng – sai trong vụ việc, ông Dũng đã tự nguyện trao lại khoản tiền đặt cọc 66 triệu đồng cho Tổ chức Viện trợ nhân dân Nauy tại Việt Nam trước sự chứng kiến của hòa giải viên.  

Vui mừng khi vụ việc được hòa giải, ông Resad Junuzagic, Giám đốc Tổ chức Viện trợ nhân dân Nauy tại Việt Nam đã viết lời cảm ơn vào sổ lưu bút của Trung tâm đối thoại, hòa giải. Trong đó, ông viết: “Tôi xin chân thành cảm ơn dịch vụ hòa giải rất chuyên nghiệp và công bằng được cung cấp bởi bà Vũ Thị Cúc và Trung tâm hòa giải. Với sự hỗ trợ của bà và Trung tâm, vụ việc của chúng tôi được giải quyết một cách thỏa đáng cho các bên liên quan”. 

Là người trực tiếp thực hiện hòa giải thành công vụ việc tranh chấp này, bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ: “Đối với từng vụ việc tranh chấp đều có những “nút thắt” riêng cần tháo gỡ. Cái khéo của người hòa giải viên, đối thoại viên là phải tìm ra “nút thắt” đó là gì và lựa chọn biện pháp tháo gỡ sao cho phù hợp nhất. Với kinh nghiệm của riêng tôi thì quan trọng nhất là cần có sự am hiểu sâu sắc các kiến thức pháp luật, đồng thời phải có kinh nghiệm thực tế thì mới có thể cởi được các “nút thắt” đó”. 

Để tìm và tháo gỡ được những "nút thắt" trong giải quyết các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, các hòa giải viên, đối thoại viên của Trung tâm đã vận dụng nhiều bí quyết, kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Vì vậy,  họ rất tự tin khi phân tích, giải thích các quy định pháp luật có liên quan đến vụ việc đang tiến hành hòa giải, giúp các đương sự nắm rõ hơn những căn cứ pháp lý, nhận thức được sự đúng – sai trong vụ việc của họ, cân nhắc kỹ các yếu tố được – mất về kinh tế, thời gian, những tổn thất khác… khi khởi kiện vụ việc ra Tòa án, từ đó thêm cơ sở để hòa giải thành công các vụ tranh chấp, khiếu kiện, góp phần giảm tải cho công tác xét xử tại Tòa án 2 cấp. 

Đánh giá cao công tác triển khai tích cực đưa các Trung tâm hòa giải, đối thoại của Hà Nội đi vào hoạt động, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, những kết quả, kinh nghiệm đúc rút từ hoạt động của các Trung tâm này ở Hà Nội là những bài học tổng quát có thể giúp các tỉnh, thành phố khác trong cả nước học hỏi, triển khai, nhân rộng. Mô hình hoạt động của những Trung tâm này là bước chuyển mình lớn trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án, góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đương sự, Nhà nước và xã hội. 

Theo kế hoạch, các Trung tâm hòa giải, đối thoại này được thí điểm hoạt động trong 6 tháng. Hết thời gian thí điểm, các Trung tâm sẽ tổng hợp những vướng mắc, khó khăn, kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hiện, làm cơ sở để chỉnh sửa, bổ sung và xem xét thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đây sẽ là tiền đề pháp lý quan trọng để đưa các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án chính thức đi vào hoạt động. 

Kim Anh (TTXVN)
Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Tăng cường hòa giải, đối thoại luôn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng về cải cách tư pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN