Thế nào là tội tài trợ khủng bố và mức án phạt?

Theo Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), tài trợ khủng bố được hiểu là hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

Quy định tại Điều 300 – Bộ Luật hình sự năm 2015 về tội tài trợ khủng bố như sau:

“1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

2. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Tội tài trợ khủng bố:

Thứ nhất: Các yếu tố cấu thành tội tài trợ khủng bố.

Mặt khách quan: Mặt khách quan của tội này có một trong các dấu hiệu sau:

– Có hành vi huy động tiền, tài sản dưới bất kì hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

– Có hành vi hỗ trợ tiền,tài sản dưới bất kì hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố.

Khách thể:

Hành vi nêu trên xâm phạm đến trật tự an toàn công cộng một cách gián tiếp.

Mặt chủ quan:

Người phạm tội thực hiện tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Thứ hai: về hình phạt.

–  Khung một (khoản 1)

Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

–  Khung hai (khoản 2)

Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Thứ ba: Hình phạt bổ sung.

Ngoài việc bị xử phạt một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cùng với việc quy định tội khủng bố, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2009 quy định thêm tội “tài trợ khủng bố” (Điều 230b). Tuy nhiên, khác với tội khủng bố quy định tại Điều 230a được cấu tạo tương tự như tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” quy định tại điều 84 Bộ Luật hình sự, tội tài trợ khủng bố là tội phạm hoàn toàn mới.

Chương XI phần các tội phạm (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) không quy định tội “tài trợ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, nhưng không vì thế mà cho rằng hành vi tài trợ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân không bị trừng trị mà hành vi tài trợ khủng bố này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân với vai trò giúp sức.

Theo ý kiến một số chuyên gia tài chính, hiện nay, các nước trên thế giới đều thấy được yêu cầu cấp thiết phải phát hiện, ngăn chặn và tiêu diệt các mạng lưới tài trợ khủng bố. Để làm được điều nay, mỗi quốc gia phải xây dựng năng lực pháp lý, quản lý tài chính, thực thi pháp luật nhằm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố một cách có hiệu quả. 

Đối với Việt Nam, phòng, chống khủng bố không chỉ nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế mà còn vì sự nghiệp ổn định chính trị, phát triển kinh tế bền vững của đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng. 

Theo Bộ Công An, thể hiện quyết tâm phòng, chống khủng bố, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về phòng, chống khủng bố. Tích cực tham gia các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc về chống khủng bố và là thành viên của Công ước ASEAN về chống khủng bố. 

Cùng với việc tăng cường hợp tác đa phương, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định song phương với các nước về tương trợ tư pháp hình sự, dẫn độ và hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có khủng bố quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống khủng bố.

Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền vào năm 2007, đã tích cực thực hiện nghĩa vụ của thành viên và có nhiều nỗ lực nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, qua đó thể hiện cam kết của Chính phủ nhằm góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố.

Để cuộc đấu tranh phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, Việt Nam đề nghị tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa cơ quan thực thi pháp luật các nước để kiểm soát, ngăn chặn các nguồn tài trợ và các trang mạng Internet truyền bá tư tưởng khủng bố; phối hợp chặt chẽ trong quản lý xuất cảnh, nhập cảnh, quản lý và xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến di trú; bảo đảm an ninh cộng đồng người nước ngoài trên lãnh thổ của nhau; tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế hợp tác song phương và đa phương về đấu tranh phòng, chống khủng bố; thường xuyên tổ chức các diễn đàn quốc tế và khu vực để cập nhật tình hình, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm về chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố, để đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm nguy hiểm này.

Minh Phương/Báo Tin tức
Ngân hàng tập huấn phòng chống rửa tiền, tuân thủ cấm vận và FATCA 2020
Ngân hàng tập huấn phòng chống rửa tiền, tuân thủ cấm vận và FATCA 2020

Với sự tham dự của hơn 200 học viên là lãnh đạo và cán bộ thuộc các đơn vị nghiệp vụ tại trụ sở chính và các chi nhánh khu vực miền Bắc và miền Trung, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) tổ chức Hội thảo tập huấn về phòng chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố, tuân thủ cấm vận và Đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ (FATCA) năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN