"Sau thời gian ngắn triển khai Nghị định 71/2012, số lượng người dân đến Phòng CSGT- CATP Hà Nội làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định đã tăng đáng kể”. Trung tá Đinh Văn Hoà - Phó Đội trưởng Đội đăng ký quản lý phương tiện - Phòng CSGT- CATP Hà Nội thông tin.
Người dân đến làm thủ tục sang tên đổi chủ phương tiện sẽ được giải quyết nhanh chóng
- PV: Trong những ngày đầu thực hiện Nghị định 71/2012, dư luận xã hội đã có những phản ứng trái chiều về quy định mức xử phạt đối với hành vi vi phạm “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”. Trung tá đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Trung tá Đinh Văn Hòa: Hành vi trên được quy định tại điểm e.3 Khoản 8 Điều 1 Nghị định 71: Phạt tiền từ 800.000-1.200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và điểm c.6 khoản 8 Điều 1: phạt tiền từ 6-10 triệu đồng đối với chủ xe ô tô, xe máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”. Thực ra, đây không phải là quy định mới. Hành vi này đã được quy định tại Nghị định 146/2007 ngày 14-9-2007 và Nghị định 34/2010 của Chính phủ. Nghị định số 71/2012 chỉ sửa đổi, bổ sung, tăng mức phạt hành chính đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định tại Thông tư 36/2010 của Bộ Công an.
- Ông nhận xét như thế nào về ý thức của người dân, sau khi Nghị định 71/2012 có hiệu lực?
- Sau hơn 20 ngày thực hiện Nghị định 71/2012 đã có 1848 trường hợp ôtô sang tên, đổi chủ, tăng 46,6% và 1234 mô tô sang tên, tăng 584 %. Đặc biệt, số lượng phương tiện đăng ký mới có chiều hướng giảm. Điều này cũng cho thấy ý thức chấp hành quy định của đại bộ phận người dân liên quan đến việc sang tên, đổi chủ phương tiện tương đối khả quan.
Hiện Hà Nội đã đăng ký, quản lý trên 460.000 xe ôtô, 4,5 triệu môtô. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều chủ phương tiện mua bán xe chưa làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu theo quy định mà chỉ làm hợp đồng ủy quyền giữa người mua, bán, có trường hợp làm hợp đồng ủy quyền nhiều lần, gây khó khăn cho việc quản lý Nhà nước về an ninh trật tự. Thời gian qua, đơn vị cũng mới chỉ quyết định xử phạt 59 trường hợp chậm sang tên theo quy định.
- Trước tình trạng số người đăng ký sang tên phương tiện tăng đột biến, Đội đăng ký quản lý phương tiện, Phòng CSGT- CATP Hà Nội đã có những biện pháp gì để đáp ứng nhu cầu người dân?
- Thông tư 36/2010/TT- BCA quy định về thủ tục đăng ký xe, lệ phí, trước bạ, các giấy tờ có liên quan đã được Phòng CSGT niêm yết công khai để người dân được biết. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, Phòng CSGT đã cho tăng cường CBCS tiếp dân, cụ thể phòng đăng ký quản lý phương tiện từ 1 cửa đã chuyển thành 2 cửa. Đồng thời, đơn vị cũng bổ sung thêm trang thiết bị để người dân có thể đến đăng ký, sang tên đổi chủ phương tiện trong điều kiện tốt nhất.
- Vấn đề được nhiều người dân quan tâm hiện nay là thủ tục đăng ký sang tên chủ sở hữu phương tiện có phức tạp không?
- Thủ tục sang tên đổi chủ được tiến hành khá đơn giản và nhanh chóng. Chỉ sau 2 ngày chủ phương tiện đã có giấy tờ mới. Chủ phương tiện (cơ quan, tổ chức, cá nhân) sau khi hoàn thành thủ tục mua bán xe trong thời hạn 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu theo quy định. Sau thời gian trên, chủ phương tiện không thực hiện việc chuyển quyền sở hữu phương tiện thì bị xử phạt tiền theo Nghị định 71/2012. Chủ phương tiện có thể in tờ khai có trên trang web của Phòng CSGT hoặc trực tiếp nhận tại phòng đăng ký quản lý phương tiện. Khi đến làm thủ tục, chủ phương tiện cần mang giấy đăng ký xe cũ, giấy tờ sang tên, chuyển nhượng, chứng minh nhân dân, hộ khẩu của chủ phương tiện mới và biên lai lệ phí trước bạ. Bên cạnh đó, chủ xe cũ cũng không cần phải có mặt.
Theo anninhthudo