Cụ thể, Tòa tuyên phạt Trương Châu Hữu Danh (sinh năm 1982, trú tại tỉnh Long An) 4 năm 6 tháng tù; Đoàn Kiên Giang (sinh năm 1985, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) 3 năm tù; Lê Thế Thắng (sinh năm 1982, trú tại thành phố Hà Nội) 3 năm tù; Nguyễn Thanh Nhã (sinh năm 1980, trú tại Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Phước Trung Bảo (sinh năm 1982, trú tại thành phố Đà Nẵng) cùng 2 năm tù.
Ngoài ra, các bị cáo còn bị cấm hành nghề báo chí trong 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Theo Hội đồng xét xử, nhóm bị cáo đã đăng tải nhiều bài viết trên Fanpage Báo Sạch, Làm Báo Sạch và kênh Youtube BS Chanel, trang Facebook cá nhân có nội dung gây thiệt hại "phi vật chất", làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Về hình phạt bổ sung, Hội đồng xét xử cho rằng tại Điều 41, Bộ luật Hình sự có quy định về cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội. Trong vụ án này, ngành nghề các bị cáo Danh, Bảo, Nhã, Giang là làm báo nhưng các bị cáo lại sử dụng điều kiện đó để biểu hiện hành vi phạm tội như đã nêu. Áp dụng hình phạt bổ sung cấm hành nghề đối với các bị cáo là không trái các quy định của pháp luật.
Như vậy, các nội dung kháng cáo của các bị cáo, cũng như đề nghị trước đó của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ tuyên sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm ngày 28/10/2021 của Tòa án nhân dân huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ) đã không được Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ chấp nhận.
Cùng với đó, kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ theo hướng không áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề báo chí trong thời hạn 3 năm đối với các bị cáo Danh, Bảo, Giang và Nhã cũng không được tòa chấp nhận.
Trong quá trình xét xử tại tòa, các bị cáo Trương Châu Hữu Danh, Đoàn Kiên Giang, Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã đều giữ nguyên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Lê Thế Thắng kháng cáo xin tòa xem xét lại toàn bộ bản án sơ thẩm, vai trò của bị cáo trong nhóm "Báo Sạch" đồng thời cũng xin giảm nhẹ hình phạt. Các bị cáo cho rằng mức án bản án sơ thẩm tuyên quá cao so với mức độ vi phạm, các bị cáo phạm tội lần đầu, nhân thân tốt...
Các bị cáo cho rằng việc đăng tải các bài viết xuất phát từ mục đích đóng góp, phản biện xã hội chứ không có ý định chống phá Đảng, Nhà nước. Ngoài ra, nhóm các bị cáo đã thực hiện nhiều hoạt động xã hội giúp đỡ người khó khăn, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo cũng không còn hành nghề báo chí. Do đó, việc Tòa án nhân dân huyện Thới Lai áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo là trái quy định pháp luật.
Hội đồng xét xử nhận định mặc dù Điều 331, Bộ luật Hình sự không có quy định về hình phạt bổ sung nhưng Điều 41, Bộ luật Hình sự có quy định cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.
Trong khi đó, các bị cáo trên hành nghề báo chí nhưng đã sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội nên việc áp dụng hình phạt bổ sung mà tòa sơ thẩm đã tuyên là đúng quy định.