Điều đáng nói, vùng rừng này chính là nơi thành lập Trung đội Cứu quốc quân II (tháng 9/1941) - một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay và đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1994.
Theo UBND huyện Võ Nhai, diện tích rừng Khuôn Mánh được quy hoạch cho Khu di tích lịch sử này là gần 4,9 ha do UBND xã Tràng Xá quản lý. Với tầm quan trọng trong việc tạo cảnh quan môi trường cho Khu di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh, vùng rừng tại đây được phân chia thành 2 khu vực: Khu vực I thuộc trung tâm di tích có tổng diện tích gần 0,2 ha thuộc diện rừng bất khả xâm phạm; khu vực 2 là khu vực bảo vệ có tổng diện tích hơn 1,5 ha. Thế nhưng, hiện tại, khu vực rừng xung quanh Di tích lịch sử Khuôn Mánh đã bị xâm hại nghiêm trọng.
Qua tìm hiểu thực tế, việc khai thác rừng "quá đà" ở khu vực Di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh bắt nguồn từ việc quản lý rừng lỏng lẻo, chồng chéo của các cấp, các ngành từ tỉnh tới cơ sở.
Những năm trước, diện tích rừng trên được giao cho Công ty lâm nghiệp Võ Nhai quản lý và công ty này đã ký hợp đồng trồng rừng theo Dự án 661 với một số hộ dân địa phương. Sau khi Công ty Lâm nghiệp Võ Nhai chuyển đổi mô hình hoạt động, tỉnh Thái Nguyên đã không tiến hành thu hồi đất của công ty nên những hộ dân này tiếp tục trồng rừng sản xuất.
Năm 2011, UBND huyện Võ Nhai có văn bản giao lại rừng tại khu di tích cho chính quyền xã Tràng Xá quản lý nhưng diện tích này lại chưa có quy hoạch cắm mốc giới rõ ràng. Đầu năm 2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên ban hành 2 quyết định phê duyệt hồ sơ thiết kế và cấp phép tỉa thưa rừng trồng thuộc nguồn vốn dự án 661 của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên lâm nghiệp Võ Nhai với tổng diện tích 19,3 ha ở khu vực Di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh và giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh giám sát việc khai thác. Tiếp đó, trong tháng 6 và tháng 8/2015, UBND xã Tràng Xá tiếp tục ban hành 2 quyết định cấp phép khai thác gỗ tự trồng ở khu vực rừng Khuôn Mánh với tổng diện tích 1,3 ha...
Từ đầu năm 2016, các hộ có rừng trồng ở khu vực lân cận với di tích được cấp phép khai thác, vận chuyển gỗ ra khỏi rừng theo quy định đã tăng cường việc chặt hạ rừng. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng khác cũng "tranh thủ" khai thác trộm cây trong khu vực rừng đã được quy hoạch và bảo vệ. Đến khi toàn bộ diện tích rừng bị chặt hạ, sự việc mới được phát giác.
Qua kiểm tra của UBND huyện Võ Nhai, tại các lô mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cấp phép khai thác, tỉa thưa hiện số cây còn lại là 356 cây, tương đương 18 cây/ha, trong khi theo quyết định cấp phép thì khai thác tỉa thưa phải để lại 600 cây/ha. Tại 2 lô do UBND xã Tràng Xá cấp phép hiện tại đã khai thác trắng rừng.
Ông Đặng Xuân Trường, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Sau khi nhận được thông tin, trong tháng 5/2016, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra tiến hành khảo sát, kiểm tra thực tế, báo cáo UBND tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền. Huyện đã chỉ đạo, yêu cầu lãnh đạo chính quyền xã Tràng Xá kiểm điểm trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, kiên quyết xử lý nếu phát hiện cán bộ có dấu hiệu sai phạm; đồng thời kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm rõ trách nhiệm của kiểm lâm địa bàn. Bước đầu, huyện đã vận động cán bộ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện trồng lại hơn 1.000 cây xanh, có đường kính gốc từ 3 cm và chiều cao vút ngọn từ 1,5 m trở lên, chủ yếu là các giống cây bản địa như trám, sấu, lát hoa, sao đen... để tăng độ che phủ, tạo cảnh quan môi trường cho Khu di tích lịch sử quốc gia rừng Khuôn Mánh. Ngay trong tháng 6 này, huyện tiếp tục trồng thêm hơn 2.200 cây, đồng thời giao cho Ban chỉ huy Quân sự huyện quản lý, bảo vệ, chăm sóc số cây đã trồng.