Xác định thủ đoạn rửa tiền qua ngân hàng để ngăn chặn

Theo luật sư Nguyễn Thị Hường, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, phương thức, thủ đoạn rửa tiền được nghiên cứu ở 3 góc độ: Không gian, hành vi, công đoạn rửa tiền.

Cụ thể, về mặt không gian, phương thức thủ đoạn rửa tiền thể hiện dưới 5 trường hợp:

- Trường hợp 1: Các nguồn tiền được tẩy rửa và sử dụng ngay trong nước. Đây là quá trình rửa tiền trong đó số tiền bất hợp pháp được thu, được rửa cũng như được tái đầu tư qua hệ thống tài chính của nước đó.

- Trường hợp 2: Lượng tiền “bẩn” có nguồn gốc trong nước, sau đó chuyển ra nước ngoài để rửa trong hệ thống tài chính khác và cuối cùng đem trở lại lưu thông trên thị trường trong nước.

- Trường hợp 3: Tiền “bẩn” được tạo ra ở nước ngoài, được tẩy rửa ở đó hay một nước khác và cuối cùng được đầu tư cho các nước đang phát triển.

- Trường hợp 4: Số tiền được rửa và rút ra khỏi hệ thống tài chính của một quốc gia đang phát triển để sử dụng ở nơi khác, không quay lại đầu tư cho quốc gia đó.

- Trường hợp 5: Lượng tiền sau khi rửa được chuyển vào một quốc gia đang phát triển nhưng không phải để đầu tư mà được lưu thông tản mạn, tiêu thụ khắp nơi.

Hành vi, phương thức, thủ đoạn rửa tiền rất phong phú đa dạng, gắn liền với khe hở trong hệ thống pháp luật mỗi nước, nhất là pháp luật hình sự, pháp luật về tài chính, ngân hàng... Từ thực tiễn phòng chống rửa tiền của nhiều nước có thể mô tả phương thức, thủ đoạn tội phạm rửa tiền qua ngân hàng như sau:

- Rửa tiền qua các giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt: Đây là phương thức rửa tiền truyền thống và chủ yếu của bọn tội phạm. Năm 1999, một quầy đổi tiền ở Pari đã phát hiện hành vi khả nghi của một người Pháp trong thời gian ngắn đã đổi 1,7 triệu Frăng Pháp sang Mác Đức. Kết quả điều tra cho thấy, kẻ tình nghi có quan hệ với một nhóm tội phạm buôn bán ma tuý ở Tâybannha, Đức, Pháp, và đang tìm cách đổi tiền sang Mác Đức để tiêu thụ.

- Rửa tiền thông qua việc mua vàng, bạc, kim cương... là những tài sản gọn nhẹ, có giá trị cao, có thể mua đi bán lại ở mọi nơi, mọi thời điểm trên thế giới. Đây là phương thức rửa tiền được bọn tội phạm sử dụng nhiều nhất do cách thức đơn giản, dễ thực hiện, nhưng lại dễ bị cơ quan điều tra phát hiện.

- Rửa tiền thông qua đầu tư vào gửi tiết kiệm, mua tín phiếu, trái phiếu: Bọn tội phạm sẽ gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc mua tín phiếu, trái phiếu... làm cho đồng tiền nằm im trong một thời gian phù hợp với quy định với mỗi nước. Sau đó, người gửi tiền có thể rút ra toàn bộ gốc và lãi hoặc rút một phần, biến số tiền đó thành tiền hợp pháp.

- Rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng “ngầm”: Tại một số nước, hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, đắt đỏ mà lại quan liêu. Do đó, trong cộng đồng những người nước ngoài tại các quốc gia này tồn tại hệ thống ngân hàng không chính thức gọi là ngân hàng “ngầm”. Hệ thống ngân hàng ngầm này hoạt động và luân chuyển tài chính như các ngân hàng chính thức nhưng với chi phí dịch vụ rẻ hơn, bí mật hơn các ngân hàng hợp pháp. Các ngân hàng ngầm có đại diện ở nhiều nước khác nhau để thực hiện dịch vụ chuyển tiền từ nước này sang nước khác hoặc từ thành phố này sang thành phố khác trong cùng một quốc gia.

Sự hoạt động của ngân hàng này chủ yếu dựa trên niềm tin giữa ngân hàng và bạn hàng nên thủ tục giấy tờ gọn nhẹ. Bọn tội phạm lợi dụng nguyên tắc giữ bí mật của những ngân hàng này đã đem tiền đến gửi và yêu cầu nhận lại ở một thành phố khác. Những địa chỉ cần nhận tiền tẩy rửa thông thường là những quốc gia khao khát đầu tư tài chính nhưng ít quan tâm đến nguồn gốc đồng tiền, việc thanh toán qua ngân hàng chưa phải là yêu cầu bắt buộc và phổ biến, hệ thống pháp luật về phòng chống rửa tiền chưa nghiêm...

 

M.Phương/Báo Tin tức
Những cơ quan nào có thẩm quyền về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam?
Những cơ quan nào có thẩm quyền về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam?

Hiện nay, trực tiếp chỉ đạo công tác này là Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống rửa tiền (PCRT) và Trưởng ban là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, các thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo của 15 bộ, ngành có liên quan. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN