Luật sư Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN |
Luật sư Vũ Mạnh Hùng, bảo vệ quyền lợi cho Công ty TNHH xây dựng và kinh
doanh thương mại Hải Âu (bị hại là doanh nghiệp duy nhất trong vụ án)
cho rằng đây là một phiên tòa công tâm, khách quan, dân chủ. Hội đồng
xét xử đã lắng nghe và tạo điều kiện cho các bị hại trình bày quan điểm
của mình một cách toàn diện.
Luật sư Vũ Mạnh Hùng phân tích: Trong vụ án này, không riêng gì Công ty Hải Âu mà các bị hại trong vụ án này đã bị tổn hại cả về thời gian và tiền của. Qua phần xét hỏi tại tòa đã rõ, hiện nay Housing Group không còn tài sản gì, bản thân bị cáo Châu Thị Thu Nga khai đã chi tiêu hết tiền, không có khả năng trả lại cho bị hại. Do đó, luật sư Vũ Mạnh Hùng cho rằng, nếu Housing Group không có khả năng bồi thường thiệt hại thì phải thông báo cho các bị hại biết về tài sản và quyền tài sản của Housing Group trước, trong và sau vụ án này để các bị hại được kế thừa quyền tài sản, làm căn cứ để Dự án B5 Cầu Diễn được tiếp tục triển khai.
Tại tòa, nhiều bị hại đã thể hiện quan điểm không đồng ý với nội dung bản luận tội của Viện Kiểm sát khi buộc bị cáo Châu Thị Thu Nga bồi thường 348 tỷ đồng cho các bị hại. Nhiều bị hại nêu ý kiến: Các thỏa thuận, hợp đồng mà họ đã ký với Housing Group là hợp pháp và đây là hợp đồng được ký giữa cá nhân với pháp nhân chứ không ký với cá nhân bị cáo Châu Thị Thu Nga. Do đó, việc buộc bị cáo Châu Thị Thu Nga bồi thường là nhầm lẫn giữa quan hệ giao dịch cá nhân với pháp nhân và giao dịch cá nhân với cá nhân. Hơn nữa, Housing Group vẫn đang tồn tại, đang hoạt động, do đó các bị hại đề nghị Housing Group phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn để đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Bà Vũ Thị Phương Lan (bị hại trong vụ án) cho biết, bà đã đặt mua một căn hộ và đã đóng tiền cho Housing Group 430 triệu đồng, đóng tiền chênh cho bị cáo Nguyễn Thị Tình 133 triệu đồng, tổng số bà Lan đã đóng là hơn 560 triệu đồng. Bà Vũ Thị Phương Lan chia sẻ: “Tôi cũng như các bị hại đều mong Dự án B5 Cầu Diễn phải được tiếp tục triển khai. Đấy là cách duy nhất để bù đắp lại những thiệt hại cho các bị hại. Tôi cho rằng, đề nghị của Viện kiểm sát đối với bị cáo Châu Thị Thu Nga, ngoài mức án phạt tù còn phải bồi thường thiệt hại là 348 tỷ đồng cho các bị hại là một đề nghị không phù hợp với nguyện vọng của bị hại. Trên thực tế, đề nghị này cũng không khả thi”.
Bà Vũ Thị Phương Lan (bị hại trong vụ án). Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN |
Còn ông Nguyễn Thanh Hải (người đã mua hai căn hộ tại Dự án B5 Cầu Diễn) thì khẳng định các thỏa thuận, hợp đồng khách hàng ký với Housing Group đều hợp pháp. Ông Nguyễn Thanh Hải mong muốn Dự án B5 Cầu Diễn sẽ được các cơ quan chức năng cho phép triển khai đúng theo quy định của pháp luật. “Chúng tôi đề nghị Housing Group vẫn là chủ đầu tư. Nếu năng lực về tài chính của Housing Group chưa đầy đủ, thì phải liên kết với một công ty nào đó có đủ năng lực tài chính kết hợp cùng khách hàng giải quyết xử lý, làm thế nào triển khai tốt dự án để cho người dân chúng tôi có nhà ở”, ông Nguyễn Thanh Hải đề nghị.
Nhận xét về phiên tòa xét xử diễn ra công tâm, Hội đồng xét xử đã lắng nghe ý kiến của người bị hại và đồng thời thu thập đầy đủ ý kiến và chứng cứ của bị hại, bà Phạm Thị Thi (một bị hại khác trong vụ án) bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử tiếp tục thu thập những ý kiến của 250 bị hại khác chưa được lấy lời khai; đồng thời hy vọng Hội đồng xét xử sẽ đưa ra những phán quyết đảm bảo quyền lợi của khách hàng đã nộp tiền cho Housing Group.
Hợp đồng ký với khách hàng có nội dung gian dối Chiều 10/10, trong phần đối đáp lại quan điểm bào chữa của các luật sư, kiểm sát viên Nguyễn Sinh Sáng (Phó Trưởng Phòng 3, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội) giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định, nội dung các hợp đồng, thỏa thuận góp vốn mà Housing Group đã ký với các bị hại này đều có 2 nội dung không có thật. Một là dối trá về việc Housing Group là chủ đầu tư Dự án B5 Cầu Diễn, hai là gian dối về việc quy hoạch điều chỉnh Dự án B5 Cầu Diễn đã được phê duyệt.
Cụ thể, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng Housing Group chưa được cấp giấy chứng nhận là chủ dự án, giấy phép xây dựng ở thời điểm huy động vốn. Căn cứ vào quy định của pháp luật, chủ đầu tư muốn huy động vốn thì phải có thiết kế nhà và đã được cấp phép. Housing Group chưa được phép huy động nhưng bị cáo Châu Thị Thu Nga vẫn có hành vi huy động vốn.
Hội đồng xét xử. Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN |
Hành vi huy động vốn thể hiện trong việc bị cáo Châu Thị Thu Nga chỉ đạo xây dựng nghị quyết của Hội đồng quản trị Housing Group giao cho Tổng Giám đốc triển khai huy động vốn của khách hàng và đối tác để thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn, để hợp thức thủ tục huy động vốn của khách hàng tại Dự án B5 Cầu Diễn khi bị các cơ quan chức năng kiểm tra...
Trong các cuộc họp giao ban vào thứ hai hàng tuần bị cáo Nga đều thông báo tình trạng dự án đang xin phép nhưng lại phân công các bị cáo thực hiện các hành vi tiếp theo: Đưa thông tin nhận là chủ đầu tư lên website, dựng mô hình thiết kế các tòa nhà 29-33 tầng, khoảng 1.6 căn hộ, tổ chức thi công cọc khoan nhồi để thể hiện là Housing Group đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai…
Ngoài ra, để khách tin tưởng bà Nga đã yêu cầu các nhân viên lập các hợp đồng, thỏa thuận theo mẫu để mình phê duyệt: hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư, thỏa thuận vay vốn, thỏa thuận góp vốn có nội dung Công ty Housing Group làm chủ dự án, thiết kế đã được phê duyệt. Phiếu thu thể hiện nộp hoặc thu tiền để xây dựng Dự án B5 Cầu Diễn, căn hộ cụ thể…
Đại diện Viện Kiểm sát dẫn chứng: Khi khách hàng đến công ty tìm hiểu mua nhà, các nhân viên đều cho xem mô hình, thiết kế tòa nhà đang được phê duyệt và cho xem hợp đồng để khách hàng thỏa thuận góp vốn mua căn hộ… Theo Viện Kiểm sát, mặc dù biết những hành vi này bị pháp luật cấm, nhưng bà Nga cùng các bị cáo vẫn làm, nhằm chiếm đoạt của các bị hại hơn 377 tỷ đồng, đã trả được hơn 28 tỷ đồng, còn lại 348 tỷ đồng.
Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Châu Thị Thu Nga cùng 9 đồng phạm đều có hành vi gian dối, chiếm đoạt tài sản. Còn việc chưa lấy được lời khai của tất cả các bị hại, từ khi xảy ra vụ án, cơ quan điều tra đã thực hiện đầy đủ thủ tục thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng… nhưng các bị hại không đến.
Quy trách nhiệm bồi thường dân sự
Đối với việc thực hiện trách nhiệm bồi thường dân sự, quan điểm của Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Nga đã dùng danh nghĩa Housing Group để huy động vốn của khách hàng bằng các hình thức ra nghị quyết, lập kế hoạch huy động vốn, tổ chức họp giao ban phổ biến chủ trương huy động vốn. Để tạo niềm tin cho khách hàng, bà Nga đã chỉ đạo khoan một số cọc nhồi, quây tôn xung quanh khu đất, xây dựng các mô hình chung cư… từ đó dễ dàng huy động vốn trái phép từ các bị hại. Bị cáo Châu Thị Thu Nga phải chịu trách nhiệm về hậu quả của những hành vi lừa đảo này, nên trách nhiệm bồi thường dân sự phải thuộc về bị cáo Châu Thị Thu Nga.
Đối với 9 đồng phạm của bị cáo Nga, Viện Kiểm sát xác định: Bị cáo Lê Hồng Cương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Housing Group) đã ký tiếp nhận mô hình để trưng bày, thi công cọc khoan nhồi, sử dụng tiền của Công ty Housing Group thu của khách hàng, là tiền thu trái pháp luật nên việc sử dụng đều trái pháp luật. Vì vậy, Viện Kiểm sát vẫn kết luận tổng số tiền bị cáo Cương giúp sức bị cáo Nga chiếm đoạt là hơn 263 tỷ đồng.
Tương tự, các bị cáo khác cũng đều có hành vi giúp sức bị cáo Nga chiếm đoạt tiền của các bị hại. Quá trình xét hỏi và tranh tụng tại Tòa, Viện kiểm sát cho rằng có đủ căn cứ kết luận bị cáo Nga cùng đồng phạm chiếm đoạt hơn 348 tỷ đồng. Áp dụng nguyên tắc một hành vi không xử lý hai lần mà chỉ xử lý một lần, nên số tiền chiếm đoạt này không giảm trừ khoản tiền 157 tỷ đồng được tách ra điều tra ở giai đoạn hai của vụ án.
Do các bị cáo khác không được hưởng lợi từ hành vi giúp sức cho bị cáo Nga, nên Viện Kiểm sát chỉ đề nghị Tòa tuyên buộc một mình bị cáo Nga bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt nói trên, mà Viện Kiểm sát không đề nghị 9 đồng phạm còn lại trong vụ án phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Ngày 11/10, phiên tòa tiếp tục với phần tranh tụng.