Đơn giản là “Mẹ của chiến sỹ Trường Sa”
Bác Đặng Thị Xuê (quê huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) người nhỏ thỏ, tính cách nhút nhát, rụt rè như nhiều phụ nữ nông thôn Bắc Bộ. Già nửa cuộc đời bám mảnh ruộng, khoảnh vườn, chẳng mấy khi bác Xuê rời khỏi lũy tre làng. Nhưng bác có hai người con trai đều là sỹ quan hải quân, quanh năm lênh đênh trên sóng nước hay đóng chốt ngoài đảo xa.
Sỹ quan Đặng Tiến Hải năm nay đã bước sang tuổi 27 nhưng vẫn đang độc thân. Suất thăm thân nhân đảo Song Tử Tây của anh được dành cho người mẹ. Thông thường, những người bố hay “xung phong” thay mặt gia đình ra Trường Sa thăm con. Dẫu gì, họ cũng là những người đàn ông dạn dày sương gió, trụ cột của cả nhà.
Bác Xuê tâm sự: “Ông nhà tôi cũng muốn đi lắm, lại ngại tôi không đủ sức khỏe. Còn cháu Hải nói là nên “ưu tiên” cho mẹ. Tôi thì vốn bé nhỏ, hay say tàu say xe. Nhưng đi thăm con thì có người mẹ nào ngại khổ”. Và thế là suất ra đảo hiếm hoi được nhường cho người mẹ. Bác Xuê vui lắm, mong ngóng chuyến ra Trường Sa từng ngày, từng giờ. Trong suy nghĩ của bác, dù người con trai đã trưởng thành đến đâu thì vẫn bé bỏng, vẫn cần sự chăm chút của người mẹ.
Những ngày đầu con tàu cưỡi sóng ra khơi, bác Đặng Thị Xuê nằm bẹp trong ca bin, không nuốt nổi lưng bát cơm. Nhưng khi nghe thông báo sắp tới đảo Song Tử Tây là bác bật dậy, xăng xái sắp xếp lại hành lý, nâng niu từng hộp quà mang theo từ đất liền.
Cơn say sóng biến mất không dấu vết, bao mệt nhọc dường như chưa tồn tại. Bác giải thích với phóng viên TTXVN vế sự “biến đổi” của mình một cách rất đơn giản. Đơn giản như một chân lý: “Vì bác là một người mẹ. Mẹ của chiến sỹ Trường Sa”.
Món quà quê của bà mẹ Thái Nguyên
Bác Nguyễn Thị Sắc (63 tuổi), quê ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, khác hẳn với bác Đặng Thị Xuê. Bác tham gia tích cực các hoạt động xã hội ở địa phương nên tính tình xông xáo, cởi mở, sức khỏe cũng hơn hẳn bác trai. Suất thăm con ở Trường Sa “đương nhiên” thuộc về người mẹ.
Không chút mệt mỏi trong suốt cuộc hành trình vượt biển, bác Sắc là người năng nổ nhất trong nhóm những người vợ, người mẹ, người bố ra thăm các chiến sỹ ở đảo Sơn Ca. Các thành viên của nhóm này, bên cạnh những người vợ, thì số lượng các bà mẹ cũng áp đảo số lượng các ông bố với tỷ lệ 5/3.
Bác Nguyễn Thị Sắc rất tự hào về người con trai út - Thượng úy Quân y Ngô Mạnh Vũ. Bác tâm sự: “Đêm trước khi rời tàu lên đảo tôi thao thức không ngủ được. Tôi muốn làm một bài thơ để tặng con. Nghĩ mãi, rồi tôi cũng chỉ đúc rút được mấy ý, đại để là con hãy hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ở vùng biển đảo, không phải bận tâm đến mọi việc ở quê nhà”.
Trong số các món quà mà bác Sắc mang ra đảo Sơn Ca có mấy gốc chè quý Thái Nguyên. Bác bảo, nếu giống chè Thái Nguyên hợp với thổ nhưỡng của đảo thì các chiến sỹ mấy năm sau sẽ có chè xanh để giải khát, vừa mát vừa tốt cho sức khỏe.
Bác tự tay trồng chè vào mảnh vườn trước căn nhà của con trai. Thượng úy Ngô Mạnh Vũ có thể sẽ trở về đất liền trước khi mấy cây chè lớn lên, đây là món quà chung của người mẹ Thái Nguyên dành cho các chiến sỹ ở đảo Sơn Ca.
Niềm tự hào của bà mẹ Thành phố Hồ Chí Minh
Suốt một tuần liền trên con tàu 561, ngày nào chúng tôi cũng thấy người phụ nữ ấy ngồi trên boong tàu tầng hai, đăm đắm nhìn ra biển, dù sáng hay chiều. Người phụ nữ có khuôn mặt tròn phúc hậu và không hề biểu hiện bất kỳ sự mệt mỏi nào.
Đó là bác Nguyễn Thị Hồng (50 tuổi) trú ở phường 12, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Bác đi thăm con trai là Nguyễn Hồng Quân đang làm nhiệm vụ ở đảo Đá Lớn. Bác rất nôn nóng muốn được gặp con nhưng theo lịch trình thì bác thuộc nhóm cuối cùng rời tàu trong số các thân nhân ra thăm các chiến sỹ Trường Sa lần này.
Bác kể, cậu con trai cả từ bé đến lớn đều là niềm tự hào của gia đình. Con ngoan, trò giỏi hồi còn đi học, lớn lên làm ở UBND phường, phấn đấu hăng say, tham gia nhiệt tình các phong trào thể thao, văn nghệ, trở thành đảng viên trẻ. Hồng Quân xung phong đi bộ đội và mơ ước trở thành chiến sỹ hải quân.
Niềm vui trở thành hiện thực, Hồng Quân tình nguyện ra Trường Sa, muốn được bám trụ ở hòn đảo xa nhất, gian khổ nhất để cống hiến và cũng là để thử thách bản thân.
Bác Nguyễn Thị Hồng luôn ủng hộ các quyết định của con. Những lần hiếm hoi gọi điện về gia đình, Hồng Quân chỉ kể toàn chuyện vui, về quá trình rèn luyện của bản thân, về tình đồng đội, về tấm lòng của cả nước hướng về Trường Sa…
Nỗi lòng của người mẹ Đồng Nai
Trong số mười thân nhân không đủ điều kiện sức khỏe để ra quần đảo Trường Sa có bác Đoàn Thụy Mai Phượng (cư trú tại tỉnh Đồng Nai), mẹ của chiến sĩ Nguyễn Đoàn Hoàng Khang ở đảo Sơn Ca. Bác cũng là người bày tỏ sự nuối tiếc mạnh mẽ nhất về sự cố không mong muốn này.
Bác Phượng tâm sự: “Tôi đã chuẩn bị tinh thần cho chuyến đi từ lâu rồi. Không chỉ gia đình tôi mà anh em, họ hàng, láng giềng đều háo hức, coi đây là niềm tự hào chung. Hai mẹ con nói chuyện rất nhiều về cuộc gặp gỡ trong tương lai ở đảo Sơn Ca. Cháu mong mẹ lắm, con út mà. Tôi cũng hứa với các thủ trưởng trên đảo là sẽ tích cực tham gia chương trình giao lưu văn nghệ, sẽ hát bài gì, đọc bài thơ nào. Vậy mà…”.
Trước khi chia tay đoàn thân nhân để trở về Đồng Nai, bác Đoàn Thụy Mai Phượng tìm gặp phóng viên TTXVN. Bác nhờ phóng viên chuyển tới người con trai bức ảnh chụp ở khách sạn Trường Sa kèm lời nhắn: “Mẹ khỏe, chỉ hơi mệt chút thôi. Mẹ sẽ ra đảo thăm con vào dịp khác, con hãy yên tâm nhé!”. Rồi bác tiết lộ kế hoạch của mình: “Mấy tháng nữa con trai cô hết thời hạn phục vụ ở đảo Sơn Ca. Không có cơ hội ra thăm con, nhưng cô có thể ra thăm các chiến sỹ ngoài đó với tư cách là hội viên hội cựu thanh niên xung phong hay thành viên tích cực của tổ chức mẹ chiến sỹ hải quân. Ra Trường Sa, dù chỉ một lần, là nguyện vọng cháy bỏng của cô. Cô nghĩ, người Việt Nam nào cũng vậy”.
Đại tá Đào Giang Hải, Chính ủy Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), Trưởng đoàn công tác số 16, cho biết: “Làm công tác tư tưởng cho các thân nhân không đủ sức khỏe ra đảo là nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt là đối với những người mẹ chiến sỹ. Một số bác không chấp nhận được sự thật, yêu cầu bác sỹ khám lại nhiều lần. Chúng tôi phải giải thích cặn kẽ, động viên có tình có lý thì các bác mới hiểu ra vấn đề. Chúng tôi hiểu tâm tư các bác, các chị khi đã vượt xa có khi cả nghìn cây số để đến Cam Ranh rồi lại trở về với những dự định, kế hoạch dang dở. Nhưng công việc chung không được để tình cảm riêng làm ảnh hưởng”.
Bài 3: Những ông ngoại ở đảo Sinh Tồn