Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại 3 thôn Thuận Hòa, Thuận Tân và Thuận Thành (xã biên giới Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) được khởi công năm 2014 và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2015. Theo báo cáo của đơn vị chủ đầu tư là Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song, ban đầu, công trình có tổng vốn đầu tư dự kiến 7,2 tỷ đồng, quy mô cấp nước gần 520 hộ dân.
Sau nhiều lần điều chỉnh để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của người dân cũng như giá các loại vật tư, tổng vốn đầu tư cho công trình tăng thành hơn 9 tỷ đồng, quy mô cấp nước được điều chỉnh giảm xuống còn 280 hộ, tức chỉ còn hơn 50% so với dự kiến ban đầu.
Tuy nhiên, theo một số lãnh đạo xã Thuận Hạnh và huyện Đắk Song, trên thực tế, tổng số hộ dân sử dụng nước từ công trình hiện nay chỉ là 35 hộ và không có khả năng mở rộng thêm.
Để có cái nhìn khách quan, đầy đủ về công trình cấp nước này, phóng viên đã trao đổi với lãnh đạo UBND xã Thuận Hạnh, Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song, UBND huyện Đắk Song và một số người dân địa phương. Theo đó, cuối năm 2015 công trình được đưa vào sử dụng. Trong khoảng 1 năm sau đó, trong thời gian đang được bảo hành, công trình vận hành tạm ổn. Sau đó, công trình bắt đầu bị trục trặc và phát sinh nhiều lỗi bất thường. Lúc thì liên quan đến giếng khoan, khi thì hệ thống điện, rồi tới đường ống dẫn nước lên bồn chứa, thân bồn chứa, đài nước và cuối cùng là đường dẫn nước từ đài chứa tới các hộ dân.
Gần 2 năm sau đó, công trình này không hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Nước bơm lên cấp cho các hộ dân “được chăng hay chớ”. Nhiều hạng mục bắt đầu xuống cấp, hư hỏng nặng. Nhìn chung, công trình gần như bị “đắp chiếu”.
Ngày 9/7/2018, sau gần 2 năm công trình hoạt động cầm chừng, Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song có tờ trình gửi UBND huyện Đắk Song đề xuất phương án sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại 3 thôn Thuận Hòa, Thuận Tân và Thuận Thành (xã Thuận Hạnh).
Theo đó, Ban đã “rà soát năng lực các doanh nghiệp về thi công công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk” trước khi mời Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Mạnh Hùng (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) kiểm tra tổng thể và xác định hiện trạng công trình cấp nước. Từ đó, Ban đề xuất sửa chữa một số hạng mục; trong đó, có đường ống từ khu xử lý đến đài nước, hệ thống lọc, hệ thống điện và tuyến ống dẫn nước từ đài nước xuống đường ống chính. Tổng kinh phí dự kiến là 300 triệu đồng.
Ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song khẳng định, đơn vị đã chuẩn bị kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến các bên liên quan, nhất là UBND xã Thuận Hạnh trước khi có tờ trình. Tờ trình này cũng đã được gửi cho các phòng ban liên quan để lấy ý kiến, thẩm định và nhận được sự đồng ý.
Ngày 10/7/2018 (tức chỉ 1 ngày sau), UBND huyện Đắk Song có văn bản đồng ý với phương án đề xuất của Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song. Ngày 7/8/2018, UBND huyện Đắk Song quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật với tổng kinh phí đầu tư gần 550 triệu đồng; trong đó, tổng chi phí xây dựng là 470 triệu đồng.
Theo ông Trần Văn Quảng, dù tổng kinh phí sửa chữa như vậy nhưng ngân sách huyện chỉ cấp 350 triệu đồng. Phần còn lại huy động của đơn vị cũ đã xây dựng công trình.
Điều đáng nói, theo một lãnh đạo UBND xã Thuận Hạnh, sau khi được sửa chữa và nâng tổng kinh phí đầu tư, sửa chữa lên hơn 9,5 tỷ đồng, công trình cấp nước này đã ngưng hoạt động gần 1 tháng nay và trước đó cũng chỉ hoạt động cầm chừng.
Cũng theo lãnh đạo UBND xã Thuận Hạnh, hiện không cá nhân, đơn vị nào chịu đứng ra nhận quản lý, vận hành công trình. Nguyên nhân là do hệ thống phức tạp, không ổn định, dễ hư hỏng và tổng số tiền thu được quá ít, không đủ để trả tiền điện chưa tính đến công vận hành.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Quảng khẳng định khi lên phương án sửa chữa, Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song dựa trên báo cáo của UBND xã về số lượng hộ dân sử dụng nước từ công trình và theo đó, con số này là 79 hộ. Nhưng trên thực tế, sau khi sửa chữa xong, con số này chỉ là 35 hộ (như vậy đầu tư bình quân gần 300 triệu đồng/hộ dân). Về việc công trình tiếp tục không bơm được nước, ông Quảng khẳng định nguyên nhân chính là do mực nước ngầm tại giếng khoan cạn kiệt.
Trao đổi về thực trạng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại 3 thôn Thuận Hòa, Thuận Tân và Thuận Thành, xã Thuận Hạnh, ông Nguyễn Văn Phò, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song khẳng định trách nhiệm thuộc về hai đơn vị là Ban Quản lý các dự án huyện Đắk Song và UBND xã Thuận Hạnh. UBND huyện Đắk Song đang “bao cấp” tiền điện cho công trình này hoạt động do thu không đủ chi.