Cụ thể, tỉnh có 48 công trình cấp nước hoạt động kém hiệu quả, 51 công trình cấp nước không hoạt động.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, nguyên nhân dẫn đến các công trình cấp nước kém hiệu quả hoặc không hoạt động là do phần lớn công trình được xây dựng từ năm 2002 trở về trước nên việc khảo sát, thiết kế chưa tính đến những ảnh hưởng làm giảm lưu lượng, trữ lượng nước mặt và nước ngầm, dẫn đến các công trình thiếu nguồn nước. Các công trình cấp nước tự chảy ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông thường xuyên bị thiếu nước vào mùa khô, vào mùa mưa chất lượng sau xử lý cũng không đảm bảo do bị đục.
UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương thanh lý các công trình cấp nước không ổn định; lồng ghép các nguồn vốn để nâng cấp, sửa chữa các công trình cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp; xây dựng cơ chế xã hội hóa, chuyển đổi mô hình quản lý để khai thác các công trình cấp nước bền vững; trợ giá nước sinh hoạt ở vùng khó khăn, vùng khan hiếm nước sạch hoặc nguồn nước bị ô nhiễm; tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc sử dụng nguồn nước và bảo vệ công trình cấp nước…