Ngọt ngào hương quế Văn Yên

Những ngày này huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đang gấp rút chuẩn bị Lễ hội quế với chủ đề “Ngọt ngào hương quế Văn Yên” sẽ diễn ra trong hai ngày từ 7 - 8/10.

Tất cả người dân và du khách thập phương đang háo hức chờ đợi để được đắm chìm trong bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng quế, giá trị sản phẩm của cây quế hay kỹ thuật canh tác quế... Trong đó, có những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào người Dao đỏ - những người đã “khai sinh lập địa” trong buổi ban đầu để xây dựng vùng quế rộng lớn và nổi tiếng như ngày hôm nay.

Đậm đà bản sắc


Đến với lễ hội “Ngọt ngào hương quế Văn Yên” lần này du khách sẽ được đắm mình trong các hoạt động văn hóa đặc sắc như thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, diễn xướng dân gian, tham quan du lịch... Đặc biệt, tại lễ hội lần này sẽ tái hiện nghi lễ Cấp sắc 12 đèn - một sự kiện được người Dao đỏ coi là Đại lễ của dân tộc hay lễ hội Cầu mùa, đám cưới của người Dao đỏ trên địa bàn huyện... Để có được một vùng chuyên canh quế rộng lớn như ngày hôm nay, biết bao mồ hôi, công sức các thế hệ người dân Văn Yên đã đổ xuống. Đó thực sự là một kỳ tích của đồng bào các dân tộc lao động vất vả, miệt mài với cây quế. Và quế Văn Yên hôm nay không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo, làm giàu mà đã thực sự trở thành một nét văn hóa, gắn liền với đất, với người, với những bàn tay lao động không ngừng nghỉ, trở thành một sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc.

Đã từ lâu, cây quế là cây “làm giàu” của đồng bào dân tộc Dao xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên.

Không ai biết rõ cây quế được trồng trên đất rừng Văn Yên từ khi nào. Chỉ biết rằng, từ những năm 1950 - 1960 của thế kỷ trước, nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao ở Viễn Sơn, Đại Sơn... đã có những cây quế to cả người ôm không xuể. Người Dao nơi đây chính là những “kỹ sư” đang nắm những kỹ năng trồng quế "gia truyền", là "bí kíp" riêng có, là tài sản vô giá được tích lũy, đúc rút, trao truyền qua các thế hệ. Quế ở Văn Yên được trồng gối nhau, cứ lứa nọ nối tiếp lứa kia cho thu hoạch, bởi thế đời sống người dân nơi đây luôn ổn định vì có nguồn thu quanh năm. Chính vì thế, cây quế Văn Yên đang làm thay đổi cuộc sống, thực sự đem lại ấm no cho mảnh đất này.

Ông Nguyễn Phú Hưng, 94 tuổi, dân tộc Dao, ở thôn Khe Lợ, xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên nhớ lại: “Cây quế ở Viễn Sơn đã có từ rất xa xưa, tôi cũng không hình dung được nữa, nhưng ở cái thuở cha ông của tôi đã coi cây quế như của hồi môn. Trai dựng vợ, gái gả chồng thì đôi bên gia đình đều chuẩn bị cho đồi quế, tùy điều kiện của từng nhà đồi quế hồi môn nhiều hay ít. Đồi quế càng lớn gia đình, họ tộc càng "mát mặt" với người dân trong bản. Cứ thế, cây quế ở Viễn Sơn ngày một "sinh sôi, nảy nở" cho đến ngày hôm nay”.

Cây làm giàu của người dân Văn Yên

Từ việc cây quế được trồng tự phát, huyện Văn Yên đã đồng hành cùng người dân để phát triển cây quế. Vào những năm 1960 ở Viễn Sơn đã có hai HTX nổi tiếng là Công Tâm và Cộng Lực chuyên làm quế, trong đó sáu bản người Dao thuộc HTX Cộng Lực được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động về thành tích phát triển cây quế. Năm 1970, xã Viễn Sơn lại phát động phong trào "Đồi quế nhớ ơn Bác Hồ" để tưởng nhớ tới vị cha già của dân tộc và khuyến khích người dân tham gia trồng quế.

Vỏ quế được chưng cất làm tinh dầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vì vậy từ "đồi quế Bác Hồ” với hiệu quả kinh tế cao, người Dao, người Tày, người Kinh hay người Mông... ở khắp các vùng định cư nhận đất trồng quế. Diện tích quế cứ lớn dần theo năm tháng, đời sống của đồng bào các dân tộc cũng vì thế bớt nghèo, bớt khổ hơn. Nhiều nhà thu nhập hàng trăm, hàng tỷ đồng từ quế. Và trồng quế đã trở thành phong trào lớn ở hầu khắp các địa phương trong huyện và lan rộng ra cả tỉnh Yên Bái.

Tiếp đó, đến năm 1995 - 1996, Đảng bộ huyện Văn Yên đã tiến hành cuộc vận động thực hiện chủ trương "đưa quế sang sông" và chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng những bước đột phá về trồng rừng mỗi năm từ 1.200 ha đến trên 1.400 ha, trong đó quế là cây chủ lực... Qua nhiều thời kỳ, huyện đã đưa ra nhiều quyết sách trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến và luôn quan tâm đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm từ cây quế.

Đến nay, quế ở Văn Yên đã trải đều ra tất cả các xã, thị trấn trong huyện, đặc biệt nhiều diện tích quế được cải tạo từ những diện tích sắn, keo, bồ đề… kém hiệu quả được người dân đưa vào trồng quế. Vì thế diện tích trồng quế ngày một được mở rộng. Không chỉ thế, Huyện ủy Văn Yên còn đưa vào Nghị quyết trồng quế ven đường cao tốc trên địa bàn với diện tích gần 1.600 ha trải dài từ nơi giáp gianh huyện Trấn Yên đến huyện Bảo Yên, Bảo Hà của tỉnh Lào Cai để tạo nên nét đặc thù của huyện vùng quế.

Cùng với đó Văn Yên thực hiện quyết liệt việc duy trì và giữ vững chỉ dẫn địa lý của quế Văn Yên, sản xuất được tinh dầu quế với thương hiệu nổi tiếng. Hiện Văn Yên hiện có 11 doanh nghiệp vừa và nhỏ chế biến vỏ quế và tinh dầu quế, luôn có đủ nguồn cung nguyên liệu đầu vào ổn định để sản xuất, chế biến. Cùng với đó, thân cây quế, còn được cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất gỗ thanh, gỗ ván bóc tại địa phương cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.

Ông Vũ Quang Hải, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Huyện Văn Yên có trên có trên 40.000 ha quế, trong đó chủ yếu là diện tích quế được trồng tập trung đã trở thành vùng chuyên canh quế lớn nhất Việt Nam. Cây quế không chỉ gắn bó máu thịt với đồng bào, cho giá trị kinh tế to lớn mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc... Cũng chính vì thế mà Văn Yên hiện đã tiến hành quy hoạch diện tích và ổn định vùng quế chất lượng cao để không bị ảnh hưởng uy tín, thương hiệu của quế trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... Cùng với đó Văn Yên đã bảo tồn được 90 cây quế trội, 14,5 ha quế tập trung để cung cấp giống quế tốt cho người dân và phục vụ du lịch sinh thái.

Theo UBND huyện Văn Yên, đến nay mỗi năm các cơ sở sản xuất chế biến các sản phẩm từ cây quế đã bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu được trên 9.000 tấn vỏ quế, 290.000 tấn tinh dầu quế được chưng cất từ lá, cành quế và hơn 62.000 m3 gỗ quế... Qua đó đã đem lại thu nhập cho người dân dự ước trong năm 2016 ước đạt 540 tỷ đồng.


Đức Tưởng
Phát triển cây quế theo hướng sản xuất hàng hóa
Phát triển cây quế theo hướng sản xuất hàng hóa

Tỉnh Lai Châu đã đề ra mục tiêu phát triển cây quế theo hướng sản xuất hàng hóa, với kế hoạch trồng mới khoảng 2.000 ha/năm, dự kiến đến năm 2020, sẽ có 10.000 ha quế đến năm 2030 sẽ là 30.000 ha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN