Tân Hoa xã dẫn nguồn Văn phòng Tổng công tố Azerbaijan cho biết 21 dân thường nước này đã thiệt mạng và 70 người bị thương trong ngày 28/10 sau khi Armenia không kích thành phố Barda. Bộ Quốc phòng Armenia đã ngay lập tức bác bỏ cáo buộc trên.
Bản tin Armenpress của Armenia đưa tin rằng quân đội Azerbaijan đã đánh bom thành phố Stepanakert và thị trấn Shushi ở khu vực Nagorno-Karabakh, gây thương vong lớn.
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ), ông Stephane Dujarric, đã kêu gọi các bên liên quan lưu ý tới tác động của cuộc xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh đối với vấn đề nhân đạo trong bối cảnh căng thẳng tái diễn tại đây đã bước sang tháng thứ hai, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Trong một cuộc họp báo, ông Dujarric cho hay theo thống kê của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), kể từ khi một đợt bạo lực mới giữa các lực lượng của Azerbaijan và Armenia bùng phát từ ngày 27/9, trên 130.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa, 76 trường học và mẫu giáo bị phá hủy và một bệnh viện phụ sản bị hư hại nghiêm trọng.
Quan chức LHQ nhấn mạnh các cuộc tấn công bằng tên lửa và rocket hằng ngày nhằm vào nhiều khu dân cư tại Nagorny-Karabakh đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân, đặc biệt là trẻ em. Ông Dujarric nhắc lại lời kêu gọi của TTK LHQ đối với các bên liên quan trong việc thực thi ngay lập tức lệnh ngừng bắn nhân đạo nhằm bảo vệ dân thường và hệ thống cơ sở hạ tầng dân sự. Theo ông, các hành động thù địch đang diễn ra là không thể chấp nhận và các bên phải chấm dứt tình trạng này.
Dẫn tuyên bố của TTK LHQ, người phát ngôn của Dujarric nêu rõ LHQ lên án mạnh mẽ tất cả các cuộc tấn công nhằm vào những khu vực đông dân cư, gồm các vụ tấn công vào các địa điểm Barda, Stepanakert và các nơi khác ở trong khu vực xung đột Nagorny - Karabakh. Ông khẳng định không lý do gì có thể biện minh cho các hành động này.
Trước đó, đã có 3 lệnh ngừng bắn nhân đạo giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorny-Karabakh. Tuy nhiên, các lệnh nào đều không có hiệu lực lâu dài.
Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Các bên trung gian quốc tế đang nỗ lực hòa giải các bên xung đột tại khu vực này.