Phóng viên TTXVN tại LB Nga dẫn thông báo của Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp cùng nhất trí rằng Armenia và Azerbaijan nên khởi động lại các cuộc đàm phán quan trọng. Thông báo nêu rõ: “Các diễn biến trong khu vực xung đột tại Nagorny-Karabakh đã được thảo luận chi tiết. Tổng thống Vladimir Putin nói về các bước được thực hiện để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa chiến sự và nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán để đạt được một dàn xếp chính trị và ngoại giao cho Nagorny-Karabakh”.
Hai tổng thống Nga và Pháp cùng nhấn mạnh sẵn sàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ Nhóm Minsk - thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) - do Nga, Pháp và Mỹ làm đồng chủ tịch, vốn tập trung vào vấn đề Nagorny-Karabakh và trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà hai nước là ủy viên thường trực.
Ngoài vấn đề trên, Tổng thống Macron cũng đề nghị người đồng cấp Putin tăng cường hợp tác song phương trong đối phó với chủ nghĩa khủng bố và vấn nạn nhập cư trái phép. Tổng thống Putin cũng gửi lời chia buồn đến ông Macron về vụ giáo viên môn lịch sử bị sát hại dã man.
Cùng ngày, Armenia và Azerbaijan thông báo ngoại trưởng của hai nước này sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo tại Washington vào ngày 23/10 tới trong nỗ lực chung nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột đang được coi là nghiêm trọng nhất tại khu vực Nagorno-Karabakh kể từ những năm 1990 của thế kỷ trước.
Đề cập đến tình hình khu vực, ngày 20/10, Thứ trưởng Ngoại giao Armenia, ông Shavarsh Kocharyan cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác với Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), song không chính thức yêu cầu hỗ trợ giải quyết xung đột ở Nagorny-Karabakh. Armenia là nước thành viên CSTO, gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Điều lệ CSTO quy định nếu một quốc gia thành viên bị tấn công, tất cả các quốc gia thành viên khác sẽ ngay lập tức cung cấp cho quốc gia đó sự trợ giúp cần thiết - kể cả về quân sự - nếu được yêu cầu.
Khu vực Nagorny - Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc nhau khơi mào cho hành động quân sự.