Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết Trung Quốc cho rằng thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định quốc tế. Theo ông, Nga và Mỹ hiện nắm giữ hơn 90% vũ khí hạt nhân của thế giới, đồng thời cho rằng hai nước này cần hoàn thành trách nhiệm giải trừ hạt nhân.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trong một tuyên bố cho rằng vào thời điểm bắt đầu một năm then chốt của việc giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí, việc gia hạn New START là một sự kiện quan trọng. Đức cũng cho rằng hiệp ước này sẽ giúp châu Âu "an ninh hơn".
Theo thỏa thuận ban đầu, New START sẽ hết hạn vào ngày 5/2 tới. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã tiến hành điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 26/1 và hai bên đã đạt thỏa thuận về việc kéo dài New START thêm 5 năm, đến ngày 5/2/2026.
Sau cuộc điện đàm, Điện Kremlin ra tuyên bố cho biết hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về việc gia hạn New START. Theo đó, hai bên sẽ hoàn thiện tất cả các thủ tục cần thiết để đảm bảo cơ chế pháp lý quốc tế quan trọng này tiếp tục có hiệu quả đối với việc hạn chế kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên. Ngày 27/1, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) và Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua dự luật gia hạn New START.
New START đã được thực thi kể từ năm 2011. Đây là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Theo đó, kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ được giới hạn ở mức 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng.