Căng thẳng gia tăng ở Biển Baltic: Cuộc đối đầu 'ngầm' giữa Nga và NATO

Căng thẳng giữa Nga và NATO đang leo thang tại Biển Baltic, nơi chứng kiến hàng loạt vụ chạm trán nguy hiểm giữa tàu chiến, máy bay và các chiến dịch phá hoại hạ tầng quan trọng. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) tại lễ thượng cờ tàu khu trục Đô đốc Golovko ngày 25/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Wall Street Journal ngày 16/12, căng thẳng giữa Nga và NATO đang đạt tới điểm nguy hiểm, khi Biển Baltic trở thành "điểm nóng" mới trong các mối quan hệ hai bên. Từ việc bắn pháo cảnh cáo đến phá hoại cơ sở hạ tầng, những hành động đối đầu giữa hai bên đã gây lo ngại về một cuộc xung đột lớn hơn.

Ví dụ vào ngày 26/11, tàu hộ tống Merkuriy của Nga đã đụng độ với tàu khu trục F223 của Đức gần đảo Bornholm (thuộc Đan Mạch). Khi một trực thăng Sea Lynx của Đức tiến lại để giám sát, tàu Nga đã bắn pháo sáng, buộc phi công phải quay lại. Dù không có ai bị thương, sự việc này đã gia tăng nguy cơ leo thang.

Sự cố trên, mà thông tin chi tiết chưa từng được báo cáo, là một phần trong cuộc đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Nga và NATO ở châu Âu, trong đó khu vực Baltic nổi lên như điểm nóng chính trong cuộc đối đầu chưa từng thấy kể từ thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.

Những cuộc chạm trán như vậy đang dần trở nên thường xuyên hơn. Từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, tàu chiến và máy bay Nga hoặc NATO nhiều lần bắn cảnh cáo hoặc có hành động quấy rối lẫn nhau.

Khu vực Baltic hiện nay có 8 trong số 9 quốc gia giáp biển đã trở thành thành viên NATO.

Điều này dường như khiến nhiều lãnh đạo của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu vui mừng khi nhận định rằng nơi đây đã trở thành "ao của NATO". Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã chỉ ra rằng Nga đã tăng cường đáng kể sự hiện diện quân sự trong khu vực này, thể hiện thái độ kiên quyết chưa từng thấy kể từ Chiến tranh Lạnh để bảo vệ lợi ích của mình.

Ngoài đối đầu quân sự, các bên còn cáo buộc nhau tiến hành các chiến dịch phá hoại cơ sở hạ tầng. Các cáp dữ liệu kết nối quan trọng đã bị tấn công, như hai cáp kết nối Phần Lan và Litva, Đức và Thụy Điển.

Trong bối cảnh đó, NATO đã đầu tư vào việc bảo vệ hạ tầng quan trọng. NATO cũng đã gia tăng hiện diện quân sự tại Baltic, trong đó Phần Lan và Thụy Điển, hai thành viên mới nhất, đang tích cực đóng góp. Phần Lan đã đầu tư vào cáp dự phòng và kế hoạch khẩn cấp, trong khi Thụy Điển tăng cường huấn luyện và tài trợ cho các doanh nghiệp quân sự.

Về phía Nga, Moskva phụ thuộc rất nhiều vào các cảng Baltic để duy trì hoạt động cho hạm đội của mình vì Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cho tất cả các tàu chiến đi qua Bosporus, nơi nối Địa Trung Hải với Biển Đen, khu vực cũng có các căn cứ hải quân quan trọng của Nga. Ngoài Baltic, thành trì hải quân cuối cùng còn lại của Nga ở vùng biển không có băng ở khu vực rộng lớn hơn là tại Syria - và Moskva có thể bị đẩy ra khỏi đó sau khi chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sụp đổ.

Có thể thấy, cuộc chiến ngầm giữa Nga và NATO ở Baltic đang diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng và những mối đe dọa ngày càng phức tạp. Các hành động quân sự kết hợp với chiến dịch hỗn hợp khác đang tạo ra một bức tranh đáng lo ngại về an ninh khu vực. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo wsj.com)
Mất căn cứ hải quân Địa Trung Hải sẽ làm suy yếu Nga đến mức nào?
Mất căn cứ hải quân Địa Trung Hải sẽ làm suy yếu Nga đến mức nào?

Sự sụp đổ của chính quyền Assad được cho là đòn giáng mạnh vào chính sách đối ngoại và uy tín của Nga. Trong số những tổn thất tiềm tàng của họ có viễn cảnh Moskva phải chấp nhận mất căn cứ hải quân duy nhất ở nước ngoài, nằm tại cảng Tartus bên bờ biển Địa Trung Hải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN