Tổng thống Putin tiếp tục đánh giá về tên lửa Oreshnik

Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục ca ngợi thành tựu lịch sử của tên lửa siêu vượt âm Oreshnik, được triển khai lần đầu để tấn công một cơ sở quân sự ở Ukraine.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo cuối năm thường niên tại Moskva, ngày 19/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông ngày 22/12, ông mô tả đây không chỉ là điểm nhấn của năm mà còn là bước ngoặt đối với ngành công nghiệp vũ trụ Nga.

Tên lửa Oreshnik có thể bay với tốc độ lên tới Mach 10, tương đương 12.200 km/giờ, khiến nó gần như không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng không hiện đại phương Tây.

Trong lần triển khai đầu tiên, tên lửa này đã phá hủy một nhà máy sản xuất vũ khí tại Dnepr (Dnipro theo cách gọi của Ukraine), đáp trả các cuộc tấn công tầm xa bằng tên lửa lục quân ATACMS của Ukraine vào lãnh thổ Nga.

Tổng thống Putin tiết lộ ông đã đích thân ra lệnh thử nghiệm Oreshnik trong điều kiện chiến đấu thực tế, mặc dù trong nội bộ có nhiều ý kiến trái chiều về dự án này. "Chưa từng có loại vũ khí nào như thế trước đây", ông nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 19/12, ông cũng thách thức các nhà lãnh đạo phương Tây tham gia một "cuộc đấu công nghệ", đề nghị họ triển khai hệ thống phòng không tại Kiev để đối phó với đợt tấn công tiếp theo từ Oreshnik.

Ngoài việc tôn vinh thành tựu công nghệ, Tổng thống Putin cũng nhìn lại quyết định phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Ông thừa nhận rằng Nga lẽ ra nên hành động sớm hơn khi nhận thấy phương Tây và Kiev không cam kết thực hiện thỏa thuận Minsk.

Thỏa thuận Minsk, được ký năm 2014, nhằm mang lại quyền tự trị cho Donetsk và Lugansk nhưng bị Ukraine sử dụng như một công cụ để kéo dài thời gian và củng cố lực lượng.

Ông Putin cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo phương Tây như cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande vì công khai thừa nhận mục tiêu của họ là chuẩn bị cho Ukraine đối đầu với Nga.

Nga luôn khẳng định chiến dịch quân sự nhằm bảo vệ người dân Donbass trước các cuộc tấn công của Ukraine, đồng thời phản đối mạnh mẽ nỗ lực gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev.

Theo Moskva, sự mở rộng của NATO là mối đe dọa hiện hữu đối với an ninh quốc gia.

Sau cuộc trưng cầu dân ý vào mùa thu năm 2022, Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye đã bỏ phiếu gia nhập Nga, đánh dấu bước ngoặt lớn trong xung đột kéo dài.

Với việc triển khai tên lửa Oreshnik và các diễn biến quân sự gần đây, Nga đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ về khả năng công nghệ cũng như sự quyết tâm đối đầu với các thách thức từ phương Tây và Ukraine. 

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo RT)
IRGC phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Putin về việc di tản binh sĩ khỏi Syria
IRGC phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Putin về việc di tản binh sĩ khỏi Syria

Một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/12 rằng Nga đã không vận 4.000 binh sĩ Iran từ Syria về Tehran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN