Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey, bang California, Mỹ, đã đưa ra nhận định trên trong một báo cáo công bố ngày 19/12.
Viện nghiên cứu trên đã phân tích 1.304 tài liệu do Triều Tiên và các nhà khoa học nước ngoài là đồng tác giả, nhằm xác định các ứng dụng tiềm năng của nghiên cứu đối với mục đích quân sự. Theo báo cáo, khoảng một nửa trong số tài liệu này có thể có một số ứng dụng quân sự, trong đó có ít nhất 100 bài báo “mang ý nghĩa đáng kể” về công nghệ lưỡng dụng, vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc các mục đích quân sự khác. Một số nghiên cứu gây quan ngại liên quan tới hoạt động làm giàu urani, hệ thống điện cáp cao thế chuyên biệt cho các nhà máy năng lượng hạt nhân, công nghệ ứng dụng cho không gian và tên lửa.
Trong khi đó, Trung Quốc là nước hợp tác thường xuyên nhất, với các chuyên gia là đồng tác giả của 913 tài liệu, tiếp sau là Đức.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Middlebury nêu rõ: “Hợp tác trực tiếp giữa Triều Tiên và các nhà khoa học nước ngoài đang đóng vai trò mở rộng trong việc theo đuổi sự tiến bộ công nghệ của quốc gia Đông Bắc Á này. Một số hoạt động này có thể đi ngược lại các điều khoản quy định trong các cơ chế trừng phạt cấp độ quốc gia và quốc tế”. Báo cáo nhấn mạnh, các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cấm cung cấp cho Triều Tiên hoạt động huấn luyện, tư vấn, dịch vụ hoặc hỗ trợ công nghệ liên quan tới công nghệ lưỡng dụng và quân sự.
Viện nghiên cứu còn kêu gọi các nước thành viên LHQ xem xét quy mô các hoạt động nghiên cứu nhằm tránh để xảy ra việc vi phạm các lệnh trừng phạt.
Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 6 vừa qua ở Singapore đã mở ra cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên giữa hai nước sau nhiều tháng đe dọa quân sự. Cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai được dự kiến diễn ra trong năm tới, tuy nhiên Tổng thống Trump bị chỉ trích vì Triều Tiên thực thi quá ít các hành động cụ thể để từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
HĐBA LHQ đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ với Bình Nhưỡng do nước này tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Mỹ khẳng định rằng nước này vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt của LHQ cho tới khi Triều Tiên loại bỏ hoàn toàn các chương trình vũ khí của mình.