Công nghệ vũ trụ và mục tiêu quân sự của Nga

Tên lửa siêu vượt âm Oreshnik, vốn là một dự án công nghệ vũ trụ của tập đoàn nhà nước Nga Roscosmos, ban đầu được thiết kế như một phương tiện phóng vệ tinh nhỏ.

Chú thích ảnh
Tên lửa RS-26 Rubezh. Ảnh: Getty

Ngày 21/11, tên lửa siêu vượt âm Oreshnik thế hệ mới của Nga lần đầu tiên được sử dụng trong cuộc tấn công vào nhà máy Yuzhmash, trung tâm công nghệ tên lửa hàng đầu Ukraine tại thành phố Dnipro. Hệ thống vũ khí mới này đang làm dấy lên nhiều câu hỏi về sự kết hợp giữa công nghệ vũ trụ và quân sự của Nga, cũng như ý nghĩa chiến lược trong xung đột Nga - Ukraine.

Từ công nghệ vũ trụ đến vũ khí quân sự

Tên lửa siêu vượt âm Oreshnik, vốn là một dự án công nghệ vũ trụ của tập đoàn nhà nước Nga Roscosmos, ban đầu được thiết kế như một phương tiện phóng vệ tinh nhỏ. Hệ thống này sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, mêtan lỏng và oxy, cùng với khả năng phóng nhanh từ các bệ di động. Các tính năng này đã giúp Oreshnik trở thành giải pháp hiệu quả, cạnh tranh với các hệ thống phóng thương mại quốc tế như SpaceX của Mỹ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, Nga đã chuyển hướng ứng dụng của tên lửa Oreshnik từ dân sự sang quân sự. Ông Yuri Borisov, Tổng giám đốc Roscosmos chia sẻ với đài truyền hình VGTRK, hệ thống này được cung cấp toàn diện cho Bộ Quốc phòng Nga nhằm đáp ứng nhu cầu vũ khí chính xác cao, đặc biệt trong các cuộc xung đột gần đây. Ông nói: "Trong hơn hai năm qua, chúng tôi đã tăng sản lượng loại vũ khí này lên nhiều lần. Chúng tôi có mọi khả năng cần thiết để cung cấp cho Bộ Quốc phòng Nga loại tên lửa này với số lượng đáp ứng nhu cầu".

Vũ khí mới hay sự cải tiến từ công nghệ cũ?

Các chuyên gia Nga khẳng định tên lửa Oreshnik là bước đột phá với khả năng cơ động cao và tốc độ vượt trội, đạt trên 13.000 km/h. Tên lửa này còn sử dụng quỹ đạo bay "góc cao", giúp giảm khả năng bị hệ thống phòng thủ đối phương đánh chặn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích phương Tây lại có cái nhìn khác. Một số ý kiến cho rằng Oreshnik thực chất là sự cải tiến từ dòng tên lửa RS-26 Rubezh, một hệ thống đã được phát triển từ hơn một thập kỷ trước. Theo họ, thay vì tạo ra một công nghệ đột phá, Nga tập trung vào việc nâng cấp các tên lửa hiện có để phục vụ mục tiêu chiến lược.

Chú thích ảnh
Hậu quả của cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào thành phố Dnipro, tỉnh Dnipropetrovsk của Ukraine, ngày 21/11/2024. Ảnh: Cơ quan Dịch vụ khẩn cấp Quốc gia Ukraine/Telegram

Cuộc tấn công vào nhà máy Yuzhmash, một trung tâm công nghiệp quan trọng của Ukraine, không chỉ nhằm gây tổn hại về vật chất mà còn mang ý nghĩa biểu dương sức mạnh quân sự. Với tên lửa Oreshnik, Nga gửi đi thông điệp rõ ràng về khả năng tích hợp công nghệ vũ trụ vào cơ sở hạ tầng quốc phòng, qua đó tăng cường vị thế trong các cuộc xung đột địa chính trị.

Hệ thống này cũng cho thấy chiến lược dài hạn của Moskva trong việc hiện đại hóa quân sự, đồng thời tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có từ chương trình không gian. Đây không chỉ là sự thích ứng linh hoạt trước áp lực quốc tế mà còn là cách Nga khẳng định vị thế trên bàn cờ chiến lược toàn cầu.

Dù được đánh giá cao về tính cơ động và hiệu quả, tên lửa Oreshnik vẫn phải đối mặt với những thách thức. Nga cần chứng minh rằng hệ thống này thực sự là một bước tiến công nghệ, không chỉ đơn thuần là sự cải tiến từ các mẫu cũ. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ vũ trụ vào mục đích quân sự có thể vấp phải chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, việc Nga tập trung phát triển các hệ thống vũ khí "lai" như tên lửa Oreshnik cho thấy một hướng đi chiến lược, đó là, tối ưu hóa công nghệ dân sự cho mục tiêu quân sự. Điều này không chỉ tăng tính linh hoạt trong các chiến dịch mà còn giúp Nga duy trì sức mạnh trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Bulgarianmilitary, TASS, Reuters)
Tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Nga không phải công nghệ mới
Tên lửa siêu vượt âm Oreshnik của Nga không phải công nghệ mới

Nga đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik để tấn công Ukraine hôm 21/11 và mô tả đây là loại tên lửa hiện đại, không thể bị đánh chặn. Điều này đã khiến giới chuyên gia quân sự phương Tây bắt đầu tò mò, tìm hiểu và phân tích công nghệ, cách thức hoạt động của loại tên lửa này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN