Dự báo diễn biến xung đột tại Ukraine trong năm 2025

Việc giữ tỉnh Kursk ngày càng trở thành gánh nặng cho Ukraine khi không tạo được thay đổi đáng kể trong lập trường của Nga hoặc gia tăng hỗ trợ từ phương Tây.

Chú thích ảnh
Binh sỹ Ukraine sử dụng lựu pháo M777 của Mỹ tại tỉnh Kharkiv. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 2024 chứng kiến những khó khăn ngày càng lớn của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, từ thiếu hụt nhân lực, hạn chế khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, cho đến sự hỗ trợ không đồng đều từ phương Tây. Những yếu tố này đang cản trở Kiev đạt được ưu thế trên bàn đàm phán hoặc chiến thắng hoàn toàn. Các diễn biến gần đây, bao gồm việc Nga đẩy mạnh tấn công, sự tham gia của quân đội nước thứ ba vào chiến trường và ông Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ, làm triển vọng giành chiến thắng của Ukraine trở nên ngày càng u ám.

Nga đẩy mạnh tấn công

Kể từ tháng 10/2024, Nga đã đạt những tiến triển lớn nhất kể từ năm 2022, phá vỡ các phòng tuyến vững chắc tại miền Đông Ukraine. Những khu vực như Vuhledar, Pokrovsk và Kupyansk đang chứng kiến lực lượng Nga tấn công mạnh mẽ, với mục tiêu dồn ép Ukraine trên toàn mặt trận để giảm khả năng điều động lực lượng của Kiev.

Ngoài ra, việc quân đội nước thứ 3 tham gia hỗ trợ Nga tại khu vực Kursk càng làm gia tăng áp lực lên Ukraine. Nga coi cuộc xâm nhập của Ukraine vào tỉnh Kursk từ tháng 8/2024 là cơ hội để gây tổn thất lớn cho các đơn vị tinh nhuệ của Ukraine. Moskva tuyên bố sẽ không để cuộc xâm nhập này trở thành lợi thế trên bàn đàm phán. Do đó, Nga ưu tiên đẩy mạnh các cuộc tấn công tại miền Đông Ukraine, đồng thời ép Kiev rút khỏi tỉnh Kursk trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng vào năm 2025. 

Việc giữ tỉnh Kursk ngày càng trở thành gánh nặng cho Ukraine khi không tạo được thay đổi đáng kể trong lập trường của Nga hoặc gia tăng hỗ trợ từ phương Tây. Áp lực từ quân đội và công chúng buộc Kiev phải cân nhắc rút lực lượng khỏi Kursk để bảo vệ các khu vực khác đang bị Nga đe dọa. Nhiều khả năng, Ukraine sẽ phải rút quân khỏi Kursk ngay đầu năm 2025. 

Ukraine thiếu vũ khí

Hy vọng của Ukraine vào năm 2025 từng dựa trên việc phương Tây tăng cường sản xuất vũ khí và cung cấp các hệ thống thiết yếu như pháo và tên lửa đánh chặn. Tuy nhiên, hiện tại không có tín hiệu rõ ràng nào cho thấy điều này sẽ thành hiện thực.

Dù Mỹ đã tăng cường sản xuất, nhưng khả năng này vẫn chưa đủ để bù đắp cho kho dự trữ vũ khí. Ở châu Âu, dù đã mở rộng sản xuất đạn pháo 155 mm, các nước vẫn thiếu năng lực công nghiệp để sản xuất hàng loạt các hệ thống phức tạp hơn như tên lửa phòng không. Ngay cả khi có thêm đầu tư, vũ khí cũng sẽ mất hơn một năm mới đến tay Ukraine.

Một diễn biến đáng chú ý khác là Mỹ đã đồng ý cho Ukraine sử dụng tên lửa tấn công tầm xa ATACMS, giúp Kiev tăng khả năng tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, nguồn cung ATACMS mà Ukraine có thể rất hạn chế. Vì vậy, ngay cả khi Kiev có thể tấn công sâu vào bên trong nước Nga, và tầm bắn xa hơn của ATACMS là 100km thì cũng không thể tạo ra thay đổi trong một sớm một chiều trên chiến trường.

Các nhà phân tích đã liệt kê số lượng các mục tiêu của Nga nằm trong tầm bắn của những tên lửa này, bao gồm cả các sân bay của Nga, nhưng các máy bay tấn công ở đây đã được sơ tán sâu hơn bên trong nước này.

Đây là một bước tiến lớn trong chiến lược đối phó với Nga, nhưng tác động lâu dài còn phụ thuộc vào khả năng Ukraine sử dụng vũ khí này một cách hiệu quả và duy trì áp lực quân sự trước các cuộc tấn công không ngừng của Moskva.

Nga gặp khó khăn nhưng vẫn chiếm ưu thế

Dù có những thông tin cho thấy Nga mất nhiều khí tài trong thời gian gần đây, bao gồm xe bọc thép, máy bay và trực thăng, nhưng các kho đạn dược tầm xa của Nga vẫn đang được tích trữ. Những loại vũ khí này có thể được sử dụng để tấn công các trạm biến áp xung quanh các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, khiến mùa đông 2025 có nguy cơ trở thành một trong những mùa đông khó khăn nhất trong lịch sử nước này.

Các đợt cắt điện kéo dài tới 20 giờ mỗi ngày không chỉ làm suy giảm khả năng quân sự của Ukraine mà còn gây ra làn sóng di cư lớn, làm suy yếu cả nền kinh tế lẫn vị thế chính trị của Kiev. Đây sẽ là một “con bài” quan trọng giúp Moskva tăng lợi thế trong các cuộc đàm phán với phương Tây.

Những lựa chọn khó khăn phía trước

Ukraine đang đối mặt với áp lực lớn từ nhiều phía: quân sự, kinh tế và chính trị. Trong khi Nga tiếp tục chiếm ưu thế trên chiến trường, khả năng Kiev xoay chuyển tình thế sẽ phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ của phương Tây và cách Ukraine tận dụng các nguồn lực hiện có, bao gồm vũ khí tầm xa ATACMS.

Tuy nhiên, với sự gia tăng sức ép từ các cuộc tấn công của Nga, hạn chế trong sản xuất vũ khí của phương Tây, và bất định trong chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump sắp tới, năm 2025 dường như sẽ là một năm đầy thách thức và ít triển vọng cho Ukraine.  

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Stratfor, Reuters)
Chuyên gia nhận định về việc Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga
Chuyên gia nhận định về việc Mỹ cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa tấn công lãnh thổ Nga

Cựu Đại sứ Mỹ tại Gruzia (Georgia) cho rằng sự thay đổi trong chính sách sử dụng vũ khí tầm xa của Tổng thống Joe Biden có thể giúp Ukraine có vị thế tốt hơn trong đàm phán với Liên bang Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN