Theo RT, tuyên bố này được đưa ra ngay sau khi nhiều hãng tin thông báo Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược chính sách lâu nay là không cho phép Kiev sử dụng tên lửa ATACMS để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ của Nga.
Trong bài phát biểu được phát đi vào tối ngày 17/11, Tổng thống Ukraine cho biết: “Kế hoạch tăng cường cho Ukraine chính là nội dung ‘Kế hoạch chiến thắng’ mà tôi đã trình bày với các đối tác của chúng ta. Một trong những điểm chính là khả năng nâng tầm xa cho quân đội của chúng ta. Ngày nay, có rất nhiều cuộc thảo luận trên phương tiện truyền thông về việc chúng ta nhận được sự cho phép cho các hành động tương ứng”.
Ông nói thêm: “Các cuộc tấn công không thực hiện qua lời nói. Tên lửa sẽ tự nói lên điều đó. Chắc chắn là như vậy”.
Trước đây, Ukraine đã sử dụng tên lửa ATACMS và SCALP-EG/Storm Shadow của Pháp-Anh để tấn công các mục tiêu ở bán đảo Crimea và các khu vực tại miền Đông nước này. Thời điểm đó, chính quyền Tổng thống Biden đã từ chối yêu cầu của Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS để mở rộng các cuộc không kích do lo ngại về khả năng leo thang chiến tranh với Nga. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc từ chối đưa ra bình luận về các thông báo gần đây xung quanh việc dỡ bỏ các hạn chế.
Nhiều cơ quan truyền thông các nước đưa tin, Kiev dự kiến sẽ sử dụng các loại vũ khí mới này để tấn công bên trong hoặc các khu vực xung quanh tỉnh Kursk của Nga - nơi Ukraine đang duy trì lực lượng từ đầu tháng 8. Giao tranh tại tỉnh Kursk trở nên dữ dội khi quân đội Nga phát động một cuộc tấn công nhằm đẩy lùi lực lượng Ukraine trở lại biên giới.
Trước thông tin trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã nêu rõ quan điểm của mình về việc phương Tây cho phép Ukraine thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào sâu trong lãnh thổ Nga.
Vào tháng 9, ông Putin đã cảnh báo việc mở rộng các cuộc tấn công sâu bên trong lãnh thổ nước Nga bằng vũ khí phương Tây sẽ "thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột". Ông đánh giá những cuộc tấn công như vậy sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của yếu tố nước ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc các nước NATO sẽ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột quân sự"với Nga.
Trong một diễn biến khác liên quan, theo AFP và Reuters, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski ngày 17/11 đã lên tiếng hoan nghênh những thông tin cho rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga, yêu cầu mà Kiev luôn hối thúc suốt nhiều tháng qua.
Ngoài ra, đài Sputnik ngày 17/11 đưa tin Pháp và Anh đã tiếp bước Mỹ, cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa SCALP/Storm Shadow.