Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Anh Jeremy Hunt tại Berlin, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu rõ Berlin sẽ không chuyển giao vũ khí cho Saudi Arabia vào thời điểm này.
Theo Ngoại trưởng Heiko Maas, bất cứ quyết định nào trong tương lai đối với vấn đề này sẽ "phụ thuộc vào tiến triển của cuộc xung đột tại Yemen cũng như liệu các thỏa thuận đạt được trong cuộc đàm phán ở Stockholm về hòa bình Yemen có được thực hiện hay không".
Tuyên bố trên của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đưa ra trong bối cảnh trước đó, một tờ báo của Đức cho biết Ngoại trưởng Anh đã gửi một bức thư tới người đồng cấp Đức, trong đó bày tỏ lo ngại lệnh cấm vũ khí của Berlin đang tác động tới chuỗi cung ứng của ngành quốc phòng Anh và châu Âu và có nguy cơ tác động tới khả năng của châu Âu trong việc thực hiện cam kết trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo Ngoại trưởng Anh Hunt, quyết định trên của Berlin làm trì hoãn việc bàn giao các máy bay chiến đấu của châu Âu như Typhoon, Tornado và Hawk, và có thể dẫn tới mức phạt hợp đồng đối với 500 công ty trong chuỗi cung ứng thuộc hệ thống BAE của Anh.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Anh cho rằng lệnh cấm này của Đức có thể làm giảm năng lực chiến đấu của Chính phủ Yemen được Saudi Arabia hậu thuẫn trong cuộc chiến chống phiến quân Houth được Iran hậu thuẫn,
Trước đó, hồi tháng 11/2018, Đức thông báo lệnh cấm bán vũ khí và các trang thiết bị quân sự khác cho Saudi Arabia do Riyadh liên quan trực tiếp tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau đó, Italy, Đan Mạch và Phần Lan cũng thông qua những lệnh cấm tương tự, theo đó đình chỉ các thỏa thuận giao dịch vũ khí với Saudi Arabia. Ngoài ra, nhiều nước (trong đó có Mỹ, Đức, Canada....) đã thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt một số quan chức Saudi Arabia được cho là có liên đới.
Vụ việc đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Saudi Arabia với các đồng minh phương Tây và làm giảm sút uy tín của vương quốc Hồi giáo này tại khu vực.