Bộ Kinh tế Đức thông báo Berlin đã ban hành lệnh cấm bán vũ khí và các trang thiết bị khác cho Saudi Arabia. Theo một người phát ngôn của bộ trên, mọi hoạt động xuất khẩu sẽ được ngăn chặn bằng "nhiều công cụ khác nhau".
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết nước này đã quyết định cấm nhập cảnh đối với 18 quan chức nhà nước Saudi Arabia. Phát biểu bên lề hội nghị ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Maas cho rằng các quan chức Saudi Arabia nêu trên nhiều khả năng liên quan tới vụ sát hại nhà báo Khashoggi.
Tuyên bố trên của người đứng đầu ngành ngoại giao Đức được đưa ra sau khi Cơ quan Công tố Saudi Arabia họp báo công bố kết quả điều tra chi tiết vụ sát hại ông Khashoggi. Cơ quan này cho biết nhà báo Khashoggi bị một nhóm điệp viên Saudi Arabia tiêm một loại thuốc, khiến ông bị “sốc" và tử vong. Theo cơ quan trên, âm mưu sát hại ông Khashoggi bắt đầu từ ngày 29/9.
Khi đó, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Saudi Arabia (GIP) đã ra lệnh các nhân viên tình báo thuyết phục ông Khashoggi về nước. Nếu quá trình thuyết phục thất bại, họ có thể sử dụng vũ lực.
Văn phòng Công tố Saudi Arabia cũng cho biết 5 quan chức nước này dính líu tới vụ sát hại nhà báo Khashoggi phải đối mặt với án tử hình. Đến nay, tổng cộng 21 cá nhân, trong đó 11 người, hiện đang bị giam giữ do liên quan đến vụ sát hại ông Khashoggi. Trong số đó, 11 người bị truy tố và những người còn lại đang bị điều tra.
Kênh truyền hình CNN ngày 18/11 cho biết những đối tượng sát hại ông Khashoggi có thể đã đặt các phần thi thể ông này trong một vali và đưa ra nước ngoài. Nguồn tin dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho rằng dường như chiếc vali có thể đã được đưa đi chỉ 3-4 giờ sau vụ sát hại.