Trong một sự kiện bên lề hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo châu Âu đã thông báo cấp thêm 50 triệu euro (tương đương 61 triệu USD) cho quỹ tài trợ G5. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết an ninh và phát triển phải cùng được chú trọng tại khu vực Sahel.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong giai đoạn 2014-2020, EU đã viện trợ phát triển gần 8 tỷ euro cho khu vực này nhằm giúp cải thiện tình hình an ninh và kinh tế của các nước tại đây, qua đó góp phần giảm số người tìm cách di cư sang châu Âu cũng như ngăn nguy cơ Sahel trở thành "sào huyệt" cho các tay súng cực đoan âm mưu tấn công phương Tây. Một quan chức EU cho biết dự kiến trong năm 2018, EU sẽ cấp thêm nhiều áo giáp, vật liệu chống chất nổ tự tạo, xe tải và xây dựng một bệnh viện ở Mali vào cuối năm.
Dự kiến, trong ngày 23/2, Pháp cũng sẽ công bố khoản viện trợ tới 1,2 tỷ euro cho khu vực này trong 5 năm tới. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cũng tiết lộ nhiều cam kết tài trợ riêng khác từ các quốc gia cũng sẽ sớm được đưa ra.
G5 Sahel được hình thành với mục tiêu xây dựng lực lượng tinh nhuệ gồm 5.000 quân tới giữa năm 2018 cùng chiến đấu chống các nhóm tay súng cực đoan với sự hỗ trợ của 4.000 binh lính Pháp được triển khai tới Mali từ năm 2013 và 12.000 quân của Lực lượng Gìn giữ hòa bình LHQ tại Mali (MINUSMA).
Lực lượng G5 Sahel đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ đầu tiên từ tháng 11/2017 với sự hỗ trợ của Pháp và đến nay đã thiết lập được 1 trụ sở và hệ thống chỉ huy cũng như tiến hành 2 chiến dịch ở khu vực giao cắt giữa Mali, Niger và Burkina Faso. Ngoài chống khủng bố, lực lượng này cũng chịu trách nhiệm giải quyết các mạng lưới buôn lậu và đưa người nhập cư bất hợp pháp hoạt động ở vùng Sahara.
Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều khó khăn do cả 5 quốc gia kể trên đều thuộc diện nghèo nhất thế giới với quân đội không được trang bị đầy đủ. Pháp, quốc gia ủng hộ chính của ý tưởng G5 Sahel, đang đi đầu các nỗ lực huy động tài chính cho lực lượng này. Cho tới nay, quỹ hỗ trợ đã nhận được các cam kết với tổng trị giá 280 triệu euro (360 triệu USD) trong đó đứng đầu là Saudi Arabia với 100 triệu euro. Con số này đủ để triển khai giai đoạn đầu của chiến dịch. Dự kiến, các vòng đàm phán hỗ trợ khác sẽ diễn ra tại Brussels trong ngày 23/2 tới.
Việc triển khai lực lượng tại chỗ càng trở nên cấp bách sau khi các nguồn tin an ninh và quân sự phương Tây trong thời gian qua liên tục thông báo phát hiện dấu hiệu các nhóm Hồi giáo cực đoan đang đẩy mạnh liên kết với nhau tại khu vực Sahel.