Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các quốc gia "G5 Sahel", các nước Sahel thống nhất sớm thành lập lực lượng chung chống khủng bố. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo các nhà phân tích khu vực, sau hơn 20 năm kể khi nhóm khủng bố AQMI, được coi là chi nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Bắc Phi xuất hiện thì đây là lần đầu tiên các quốc gia Tây Phi nằm trong sa mạc Sahara thiết lập một lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố và chống tội phạm xuyên quốc gia.
Hiện có 12.000 binh sĩ trong Phái bộ Liên hợp quốc tại Mali để duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực. Ngoài ra, quân đội Pháp cũng đang duy trì hơn 4.000 binh sĩ để hỗ trợ và tiếp tục chiến dịch chống khủng bố mang tên “ Barkhane’’ tại đây.
Nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh G5 Sahel vừa được tổ chức tại thủ đô Bamako của Mali, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hỗ trợ lẫn nhau giữa các lực lượng quân sự Pháp, Phái bộ Liên hợp quốc và quân đội G5 Sahel.
Tổng thống Pháp cũng cam kết sẽ đồng hành cùng lực lượng chống khủng bố mới của G5 Sahel, nhất là từ nay đến cuối năm nay, Paris sẽ cung cấp 60 xe quân sự chiến thuật, thiết bị thông tin trị giá gần 10 triệu USD và hỗ trợ các chiến dịch quân sự trên thực địa của lực lượng đa quốc gia này.
Trước đó, Pháp đã vận động Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua Nghị quyết số 2359, ủng hộ việc triển khai lực lượng G5 Sahel, nhưng HĐBA không trao cho lực lượng này sứ mệnh của LHQ, do vậy không được sự hỗ trợ về tài chính.
Trước mắt, để đáp ứng đủ nhu cầu tài chính cho việc triển khai lực lượng G5 Sahel, ước tính lên tới hơn 450 triệu USD mỗi năm, Pháp dự kiến vận động các nước thành viên của Liên minh châu Âu ( EU) như Đức, Bỉ, Hà Lan cùng tài trợ. Theo thỏa thuận, mỗi nước trong nhóm G5 Sahel sẽ đóng góp khoảng 12 triệu USD/năm.
Theo một số nguồn tin, hiện chiến dịch chống khủng bố “Barkhane” mà Pháp đang triển khai tại khu vực này có chi phí quá lên tới gần 900 triệu USD mỗi năm.