Hãng thông tấn TASS dẫn lời bà Shushan Stepanyan, phát ngôn viên Văn phòng báo chí Bộ Quốc phòng Armenia, cho biết các lực lượng vũ trang Azerbaijan sáng 13/7 đã nối lại việc pháo kích nhắm vào các vị trí của Armenia ở khu vực biên giới thuộc tỉnh Tavush của nước này.
“Sau 2 đến 3 giờ tạm ngừng, đối phương đã tiếp tục các hành động khiêu khích, các vụ pháo kích vẫn tiếp tục nã vào các căn cứ của Armenia. Các lực lượng vũ trang của Armenia cũng đáp trả thích đáng. Không thể loại trừ khả năng số lượng thương vong của đối phương sẽ gia tăng”, bà Shushan viết trên trang Facebook cá nhân của mình.
Trước đó, Bộ quốc phòng Azerbaijan cho biết căng thẳng tại biên giới giữa hai quốc gia vẫn tiếp diễn suốt đêm 13/7 và binh lính Azerbaija tiếp tục nổ súng.
“Vào đêm 13/7, căng thẳng vẫn tiếp diễn nhằm vào tỉnh Tovuz trên biên giới giữa Azerbaijan và Armenia. Các cuộc đụng độ ban đêm sử dụng pháo, súng cối và xe tăng. Các đơn vị quân đội Azerbaijan đã phá hủy căn cứ điểm, pháo binh, phương tiện cơ giới cũng như nhân sự của căn cứ quân sự”, Bộ quốc phòng Azerbaijan tuyên bố trên website chính thức.
Theo Bộ Quốc phòng, Rashad Makhmudov, Trung úy quân đội Azerbaijan, đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ. “Hiện tại, tình hình vẫn nằm trong sự kiểm soát của quân đội Azerbaijan”, tuyên bố cho biết.
Hôm 12/7, Bộ Quốc phòng Cộng hòa Dân chủ Azerbaijan cho biết các lực lượng vũ trang Armenia đã tấn công các vị trí đóng quân của họ tại khu vực tỉnh Tovuz, nằm ở biên giới hai nước, bằng pháo và các cuộc đụng độ khác xảy ra sau đó. Theo thông tin của bộ, cuộc đụng độ đã khiến 2 binh lính Azerbaijan thiệt mạng và 5 người bị thương. Sau đó, có thêm 1 binh sĩ tử vong vì vết thương quá nặng.
Kể từ tháng 2/1988, 2 quốc gia láng giềng Amenia và Azerbaijan luôn trong tình trạng đối đầu về vùng biên giới Nagorno-Karabakh tranh chấp. Khu tự trị Nagorno-Karabakh đã tuyên bố tách khỏi Azerbaijan. Trong thời kỳ xung đột 1992-1994, Azerbaijan mất quyền kiểm soát đối với Nagorno-Karabakh và 7 vùng lân cận.
Kể từ năm 1992, Nhóm Minsk được Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu thành lập, do Nga, Mỹ và Pháp đồng chủ tịch đã tổ chức các cuộc đàm phán để tìm ra một giải pháp hòa bình đối với cuộc xung đột giữa hai nước.
Nagorny-Karabakh là vùng lãnh thổ có đa số dân là người Armenia, nhưng bị sáp nhập vào Azerbaijan từ thời Liên Xô cũ. Vào đầu thập niên 1990, lực lượng ly khai người Armenia, với sự hậu thuẫn của chính quyền Armenia, đã kiểm soát được vùng này, sau một cuộc chiến đã khiến 30 nghìn người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người phải chạy lánh nạn, chủ yếu là người Azerbaijan.
Chiến sự đã chấp dứt với lệnh ngừng bắn vào năm 1994, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề của vùng lãnh thổ này.