Hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời các nhân chứng cho biết, một máy bay quân sự đã rơi xuống vùng Omdurman, một trong ba thành phố gần sông Nile, phụ cận thủ đô Khartoum. Phía Quân đội Sudan chưa có thông tin chính thức về tình hình giao tranh tại thủ đô. Trong số các vùng chứng kiến đụng độ gia tăng trong ngày 4/6 có vùng trung tâm và phía Nam thủ đô Khartoum và vùng Bahri ở phía Bắc bang Blue Nile. Bên ngoài thủ đô, đụng độ cũng xảy ra tại vùng Darfur ở miền Tây Sudan.
Giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự đã nổ ra từ ngày 15/4, sau khi RSF nhanh chóng triển khai lực lượng trên toàn thủ đô. Saudi Arabia và Mỹ không ngừng nỗ lực làm trung gian giữa hai bên với việc tổ chức các cuộc đàm phán tại thành phố Jeddah (Saudi Arabia) nhằm tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn.
Các cuộc đàm phán về gia hạn lệnh ngừng bắn đã tạm dừng từ tuần trước sau khi Quân đội Sudan ngày 31/5 thông báo rút khỏi các cuộc đàm phán ở Jeddah. Sau đó một ngày, các nhà trung gian đàm phán của Mỹ và Saudi Arabia thông báo chính thức tạm dừng quá trình này, trong đó Washington cho biết sẵn sàng nối lại đàm phán khi các bên thể hiện sự "nghiêm túc". Ngày 1/6 vừa qua, Mỹ thông báo các biện pháp trừng phạt các bên giao tranh tại Sudan.
Trong thông báo chung đưa ra ngày 4/6, Saudi Arabia và Mỹ cho biết những cuộc thảo luận hiện nay tập trung vào mục tiêu tạo điều kiện cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo và nhất trí về các bước đi trong ngắn hạn mà hai bên cần thực hiện trước khi các cuộc đàm phán về gia hạn lệnh ngừng bắn được nối lại. Thông báo của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nêu rõ nước này và Mỹ kêu gọi các bên giao tranh nhất trí và triển khai một cách hiệu quả thỏa thuận ngừng bắn mới, tiến tới một thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn căng thẳng. Tuyên bố chung được mới được đưa ra 2 ngày trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Saudi Arabia, trong đó tình hình Sudan có thể là một phần nội dung thảo luận.
Lệnh ngừng bắn gần nhất bắt đầu ngày 22/5 và hết hạn tối 3/6 đã giúp giảm tần suất các vụ đụng độ và cho phép một số hoạt động hỗ trợ nhân đạo được diễn ra dù còn hạn chế. Tuy nhiên, cũng giống các lệnh ngừng bắn khác, lệnh ngừng bắn này cũng liên tục bị vi phạm. Giao tranh kéo dài suốt 7 tuần qua đã khiến hơn 1.800 người thiệt mạng, khoảng 1,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đến vùng khác lánh nạn trong khi 400.000 người phải sơ tán sang các nước láng giềng. Theo Liên hợp quốc, khoảng 25 triệu người (hơn 50% dân số Sudan) cần được cứu trợ và bảo vệ.