Theo người dân ở thủ đô Khartoum và thành phố Omdurman lân cận, quân đội Sudan đã nối lại các cuộc không kích và sử dụng thêm pháo binh trong các cuộc đụng độ với Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) khi các thành viên của lực lượng này rút lui khỏi các đường phố và những ngôi nhà chiếm đóng trước đó. “Từ sáng nay tôi đã nghe thấy tiếng giao tranh. Chúng tôi đang phải sống trong nỗi kinh hoàng và khiếp sợ. Đó là một cơn ác mộng thực sự”, cư dân Shehab al-Din Abdalrahman sống ở một quận phía Nam thủ đô cho biết.
Sau 7 tuần bùng phát giao tranh, nhiều khu vực ở trung tâm thủ đô Khartoum và các địa điểm khác đã bị tàn phá, hàng trăm người thiệt mạng trong khi hơn 1,2 triệu người phải di dời và 400.000 người khác phải chạy trốn sang các quốc gia láng giềng. Đã có nhiều thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra, nhờ vai trò trung gian của Mỹ và Saudi Arabia, những đều nhanh chóng bị phá vỡ.
Hôm 31/5, Mỹ và Saudi Arabia cũng đã buộc phải đình chỉ các cuộc đàm phán đình chiến ở Sudan sau khi thỏa thuận ngừng bắn do hai nước này làm trung gian bị vi phạm. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp thuộc quân đội và RSF, đồng thời cảnh báo sẽ có thêm hành động "nếu các bên tiếp tục phá hủy Sudan".
Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) cho biết các hoạt động hỗ trợ người dân Sudan đang bị ảnh hưởng do xung đột và tình trạng cướp bóc. Hai cơ quan này kêu gọi tất cả các bên tôn trọng hoạt động nhân đạo, đồng thời cho biết 2 văn phòng của UNHCR ở Khartoum đã bị cướp phá, trong khi nhà kho ở El Obeid trở thành mục tiêu tấn công hôm 31/5.
Theo tính toán của WFP, giao tranh ở Sudan kể từ ngày 15/4 đã gây tổng thiệt hại trên 60 triệu USD.