Trong tuyên bố được phát sóng trên truyền hình sáng 4/6, tướng al-Burhan nói: "TMC quyết định chấm dứt đàm phán với Liên minh vì tự do và thay đổi, và hủy bỏ những gì đã đạt được (với liên minh này) và sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trong vòng 9 tháng nữa". Ông Burhan nói thêm rằng "cách duy nhất để nắm quyền ở Sudan là thông qua các hòm phiếu". Người đứng đầu TMC cũng cáo buộc phe đối lập đã âm mưu loại trừ "các lực lượng chính trị và quân sự khác" khỏi bộ máy sẽ cầm quyền tại nước này trong tương lai.
Tướng al-Burhan đưa ra tuyên bố trên sau khi TMC hứng chịu chỉ trích của Liên hợp quốc (LHQ) và cộng đồng quốc tế vì sử dụng bạo lực để giải tán các cuộc biểu tình kéo dài khiến hơn 30 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.
Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã chỉ trích lực lượng an ninh Sudan về việc sử dụng bạo lực quá mức nhằm vào người biểu tình. Ông bày tỏ sự "lo lắng" trước những báo cáo cho biết các lực lượng an ninh Sudan đã nổ súng ở bên trong một bệnh viện ở thủ đô Khartoum, đồng thời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về những trường hợp thiệt mạng vì bạo lực để đảm bảo rằng những người chịu trách nhiệm sẽ bị truy cứu.
Trong khi đó, Cao ủy LHQ về vấn đề nhân quyền, bà Michelle Bachelet trong một tuyên bố khác cũng bày tỏ sự xót xa trước "hành vi sử dụng vũ lực quá mức" nhằm vào người biểu tình và kêu gọi lực lượng an ninh Sudan ngừng ngay các cuộc tấn công như vậy. Mỹ cũng đã lên án các cuộc trấn áp bạo lực của giới quân sự Sudan nhằm vào người biểu tình, đồng thời cho rằng quan hệ tốt hơn giữa Sudan và Mỹ còn tùy thuộc vào việc hướng tới một chính quyền dân sự.
Trước diễn biến trên tại Sudan, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sẽ tổ chức họp kín trong ngày 4/6 để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Sudan. Theo nguồn tin ngoại giao, Anh và Pháp đã đề nghị triệu tập cuộc họp này.
Sau nhiều tháng biểu tình chống chính phủ, kể từ ngày 6/4, hàng nghìn người Sudan đã biểu tình ngồi trước các trụ sở quân đội ở thủ đô Khartoum. Chưa đầy một tuần sau đó, quân đội Sudan đã phế truất Tổng thống Omar al-Bashir và thành lập TMC. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình ở thủ đô vẫn tiếp diễn khi người dân yêu cầu quân đội chuyển giao quyền lực và thành lập chính quyền dân sự. Đến nay, sau gần 2 tháng Tổng thống al-Bashir bị lật đổ, TMC và lực lượng biểu tình vẫn chưa thống nhất được những nội dung cơ bản của việc thành lập Hội đồng chuyển tiếp hỗn hợp, một bước đệm để quân đội chính thức chuyển giao chính quyền cho người dân. TMC cho rằng hội đồng mới này phải do quân đội kiểm soát, trong khi lực lượng biểu tình yêu cầu thành phần dân sự phải chiếm đa số trong hội đồng này.