Trước đó, các cuộc đàm phán giữa tướng lĩnh quân đội với lãnh đạo phong trào biểu tình và phe đối lập đã tạm ngừng vào ngày 21/5 vừa qua do bất đồng về việc lựa chọn người sẽ lãnh đạo chính quyền mới ở Sudan.
Cuộc đàm phán đổ vỡ đã khiến lãnh đạo lực lượng biểu tình kêu gọi tiến hành tổng bãi công trong hai ngày kể từ ngày 28/5 để gây sức ép với giới tướng lĩnh ở Hội đồng Quân sự chuyển tiếp Sudan (TMC). Tham gia đình công có các nhân viên chính phủ, những người làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, các doanh nghiệp tư nhân và tại thành phố cảng Sudan.
Giao thông tại Khartoum vẫn hoạt động bình thường. Trong khi đó, đình công đã khiến hàng trăm hành khách bị mắc kẹt tại sân bay Khartoum. Các hãng hàng không Sudan gồm Badr, Tarco và Nova đã phải hủy chuyến bay đến Khartoum, trong khi hãng hàng không flydubai tuyên bố vẫn đang theo dõi tình hình.
Quân đội Sudan đã phế truất Tổng thống Omar al-Bashir vào ngày 11/4 vừa qua, sau làn sóng biểu tình phản đối chính phủ. Tiếp đó, quân đội thành lập TMC điều hành đất nước trong giai đoạn chờ thành lập và chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân sự. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn. Lực lượng biểu tình yêu cầu tiến hành chuyển giao ngay quyền lực cho chính quyền dân sự.
Gần đây, TMC và phe đối lập Liên minh Tự do và Thay đổi đã nhất trí về quyền hạn của Hội đồng hỗn hợp lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp, Hội đồng Bộ trưởng cũng như Hội đồng lập pháp. Hai bên nhất trí giai đoạn chuyển tiếp sẽ kéo dài 3 năm, trong đó 6 tháng đầu tiên là khoảng thời gian để thiết lập lại hoà bình trên khắp đất nước.
Hội đồng lập pháp của nước này sẽ bao gồm 300 thành viên, 67% trong số này là các nhân vật thuộc Liên minh Tự do và Thay đổi. Phần còn lại sẽ thuộc các lực lượng chính trị khác. Tuy nhiên, cho đến nay, hai bên vẫn chưa thống nhất về thành phần trong một hội đồng sẽ nắm quyền lãnh đạo. TMC cho rằng hội đồng mới này phải do quân đội kiểm soát, trong khi lực lượng biểu tình yêu cầu thành phần dân sự phải chiếm đa số trong hội đồng này.