Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết Mỹ quan ngại sâu sắc về xu hướng tình hình an ninh tại Afghanistan, song cho rằng lực lượng an ninh nước này có khả năng chiến đấu chống lại lực lượng nổi dậy. Người phát ngôn Kirby nêu rõ: "Đây là các lực lượng quân sự của họ, đây là thủ phủ các tỉnh, người dân của họ mà họ phải bảo vệ và điều này thực sự phụ thuộc vào giới lãnh đạo liệu họ có sẵn sàng thể hiện mình vào thời khắc đặc biệt này".
Bạo lực gia tăng tại Afghanistan kể từ tháng 5 vừa qua khi các lực lượng nước ngoài bắt đầu rút toàn bộ binh sĩ khỏi quốc gia Tây Nam Á này. Cho tới nay, phía Taliban đã kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở nông thôn và đang mở rộng tấn công các thành phố lớn. Giao tranh ác liệt đã giữa quân đội Afghanistan và các tay súng Taliban đã nổ ra ở nhiều thành phố và khoảng một nửa trong số 34 tỉnh. Ngày 9/8, Pakistan tuyên bố cộng đồng quốc tế cần xem xét "cuộc khủng hoảng" của các lực lượng an ninh Afghanistan, thay vì đổ lỗi cho Pakistan về việc tình hình xấu đi nhanh chóng.
Phát biểu họp báo, đề cập tới nguồn lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt của Mỹ, nhằm tăng cường cho các lực lượng quốc gia Afghanistan, Ngoại trưởng Pakistan, Shah Mehmood Qureshi nhận xét: "Việc tăng cường năng lực, huấn luyện, trang bị... tất cả những điều đó đâu? Vấn đề quản lý và cuộc khủng hoảng của các lực lượng quốc phòng Afghanistan cần được xem xét". Theo nhà ngoại giao hàng đầu Pakistan, Islamabad không thể bị truy cứu trách nhiệm cho sự thất bại của nước khác.
Kabul và chính phủ một số nước phương Tây cho rằng sự ủng hộ của Pakistan dành cho Taliban cho phép lực lượng này vượt qua cuộc chiến kéo dài 20 năm sau khi bị lật đổ vào năm 2001 khi Mỹ phát động cuộc chiến ở Afghanistan. Hiện Taliban kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2001. Tuy nhiên, Pakistan bác bỏ sự ủng hộ dành cho Taliban. Ngoại trưởng Qureshi khẳng định Pakistan "không đứng về bất kỳ phe nào".
Trong khi đó, mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã lên án thỏa thuận của Mỹ với Taliban đạt được vào cuối năm ngoái, cho rằng thỏa thuận này đã "cản trở phần lớn những đã đạt được ở Afghanistan trong 20 năm qua".
Ông Wallace cho biết, ở thời điểm Taliban tiến công nhanh chóng hồi tháng 5 vừa qua, Anh đã cố gắng thành lập một liên minh quân sự để giúp đỡ chính quyền Afghanistan sau khi các lực lượng Mỹ rút quân. Tuy nhiên, các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã từ chối tham gia và London rút khỏi kế hoạch. Ông cho rằng thỏa thuận về sự ra đi của các lực lượng liên minh là "bản cáo trạng" cho các chiến lược ngắn hạn của các nước phương Tây.
Ông Wallace tin rằng thỏa thuận giữa chính quyền tiền nhiệm của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và Taliban đã thuyết phục phe nổi dậy rằng họ đã giành chiến thắng. Khi NATO rút quân vào tháng 4, Taliban nhanh chóng mở chiến dịch tấn công quy mô lớn, giành quyền kiểm soát phần lớn đất nước. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh, thỏa thuận này có thể dẫn đến việc Taliban giành lại quyền kiểm soát toàn bộ Afghanistan và Anh sẽ phải quay trở lại đó trong một chiến dịch quân sự khác.
Trong một diễn biến khác liên quan đến tình hình thực địa, ngày 9/8, Văn phòng Tổng thống Afghanistan tuyên bố nước này sẽ trang bị vũ khí cho các lực lượng dân quân.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã nhóm họp với các nhà lãnh đạo nước này nhằm thảo luận về tình hình hiện nay. Kênh truyền hình Ariana News của Afghanistan dẫn tuyên bố của Văn phòng Tổng thống nêu rõ: "Trong cuộc họp này, quyết định đã được đưa ra về việc hỗ trợ các lực lượng an ninh bảo vệ và giữ vững nền Cộng hòa, cũng như gắn kết, tăng cường và nhanh chóng trang bị cho quần chúng đứng lên chống lại các cuộc tấn công của kẻ thù".