Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Tripoli có sự tham dự của những người đồng cấp Pháp, Đức và Italy, Ngoại trưởng Libya, Najla al-Mangoush, nói: "Chúng tôi nhắc lại rằng tất cả lính đánh thuê nước ngoài phải rời khỏi Libya ngay lập tức".
Về phần mình, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng nhấn mạnh các lực lượng nước ngoài cần rời Libya để quốc gia Bắc Phi này khẳng định chủ quyền.
Ông Le Drian cùng Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio đang có mặt tại thủ đô Tripoli, động thái thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ đoàn kết dân tộc mới của Libya mới được thành lập 10 ngày trước.
Ông Di Maio khẳng định: “Châu Âu và Italy vẫn tin rằngkhông cần tới giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng của Libya. Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì lệnh ngừng bắn, mở lại các tuyến đường ven biển và lính đánh thuê nước ngoài phải rời đi”.
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng các lực lượng nước ngoài vẫn hoạt động tại Libya.
Nhiều năm qua Libya trong tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc, với hai chính quyền tồn tại song song - Chính phủ Hòa hợp dân tộc (GNA) có trụ sở ở Tripoli được LHQ công nhận và chính quyền ở miền Đông được lực lượng của Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.
Ngày 10/3 vừa qua, Quốc hội Libya đã thông qua chính phủ lâm thời với nhiệm vụ giúp chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/12 năm nay, một bước đi quan trọng hướng tới chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài một thập kỷ tại quốc gia Bắc Phi này.
Chính phủ lâm thời - do Thủ tướng Abdul Hamid Dbeiba lãnh đạo - sẽ thay thế hai chính quyền cùng tồn tại hiện nay tại Libya. Sự hiện diện của khoảng 20.000 tay súng nước ngoài cũng như lính đánh thuê tại Libya được xem là mối đe dọa lớn đối với quá trình chuyển tiếp hướng đến cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại quốc gia Bắc Phi này.