Thông báo của văn phòng thông tin thuộc chính phủ nêu rõ: "Những thách thức nghiêm trọng nhất của giai đoạn này là virus SARS-CoV-2 và cung cấp các dịch vụ, chủ yếu là điện". Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah cũng kêu gọi các bộ trưởng trong chính phủ liên hệ với người dân và trực tiếp giám sát quá trình giải quyết mọi vấn đề.
Nhiệm vụ chính của chính phủ mới là chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới ở Libya vào ngày 24/12, theo thỏa thuận của Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ.
Hồi đầu tháng trước, ông Dbeibah đã được bầu làm Thủ tướng lâm thời Libya tại Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya. Đến ngày 10/3, Quốc hội Libya đã thông qua chính phủ lâm thời với nhiệm vụ giúp chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/12 tới, một bước đi quan trọng hướng tới chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài một thập kỷ tại quốc gia Bắc Phi này. Chính phủ lâm thời này sẽ thay thế hai chính quyền cùng tồn tại hiện nay tại Libya, gồm Chính phủ hòa hợp dân tộc (GNA) được LHQ công nhận và chính quyền ở miền Đông được lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 24/3, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng các lực lượng nước ngoài vẫn hoạt động tại Libya.
Trong một báo cáo gửi cho Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, TTK Guterres đã nhắc lại lời kêu gọi các bên tham gia xung đột ở Libya, các nước trong khu vực và trên thế giới tôn trọng các điều khoản của thoả thuận ngừng bắn để đảm bảo việc thực thi một cách đầy đủ và khẩn trương thoả thuận này. Theo ông, một trong những nội dung chủ chốt của thỏa thuận trên là tôn trọng và tuân thủ hoàn toàn, vô điều kiện đối với lệnh cấm vận vũ khí của LHQ.
Trong khi đó, theo đặc phái viên của LHQ tai Libya Jan Kubis, việc rút các lực lượng nước ngoài sẽ là bước tiến đáng kể trong tái thiết lập sự thống nhất và chủ quyền của Libya, khắc phục những tổn hại nghiêm trọng sau nhiều năm xảy ra nội chiến và có sự can thiệp của nước ngoài.