Theo một tuyên bố của Bộ Tư lệnh Huấn luyện và Sẵn sàng Không gian (STAR), lực lượng Không gian Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận chung với Anh, Canada và Australia nhằm trau dồi khả năng sẵn sàng cho một cuộc chiến giả định ở châu Âu.
Ba cuộc tập trận có tên Space Flag 23-1, với mỗi đợt kéo dài hai ngày, đã được tiến hành vào đầu tháng 12 tại Căn cứ Lực lượng Vũ trụ Schriever ở bang Colorado. Trung tá Lực lượng Không gian Albert Harris cho biết các cuộc tập trận cho phép binh sĩ tham gia thực hành các kỹ thuật chiến tranh trên quỹ đạo, kỹ thuật tác chiến điện tử, kỹ thuật nhận thức miền không gian và chỉ huy tình báo. Các binh sĩ sẽ tham gia quá trình lập kế hoạch nhiệm vụ và thực hành các quy trình để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu trong một cuộc xung đột tại châu Âu. Tuy nhiên, chi tiết kịch bản cho đến giờ vẫn là một ẩn số. Đại tá Jason Schramm cho biết cuộc tập trận giúp lực lượng Mỹ và các đối tác liên minh thực hành chiến thuật chiến đấu trong không gian.
Sự kiện này đánh dấu cuộc tập trận đầu tiên của Lực lượng Không gian Mỹ cho kịch bản chiến tranh châu Âu và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Washington và Moska liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Trung tá Harris cho biết kế hoạch cho cuộc tập trận được lên ý tưởng từ tháng 2, cùng thời điểm mà Nga bắt đầu chiên dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
“Giành chiến thắng trong lĩnh vực không gian sẽ củng cố năng lực sát thương của liên minh trong các lĩnh vực chiến tranh khác. Chúng tôi sẽ chiến đấu trong không gian với tư cách là một liên minh và đây là những cơ hội vô giá để xây dựng một đội sát cánh bên nhau”, Đại tá Jason nói.
Mặc dù tuyên bố không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột, song Mỹ luôn viện trợ vũ khí, vật tư và thông tin tình báo cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga. Hồi tháng 7, Tướng John Raymond, người đứng đầu Tư lệnh Chiến dịch không gian Mỹ, cho biết không gian thương mại rất quan trọng trong việc cung cấp tiềm lực cho Ukraine
Một trong những trợ giúp về không gian mà Mỹ cung cấp cho Ukraine là thiết bị thu Starlink của tập đoàn SpaceX. Với thiết bị này, quân đội Ukraine có thể truy cập vào các dịch vụ Internet.
Phát biểu tại một sự kiện về không gian ở Liên hợp quốc hồi tháng 10, đại diện Nga Konstantin Vorontsov bày tỏ lo ngại về việc Mỹ và các đồng minh sử dụng các yếu tố của cơ sở hạ tầng không gian dân sự và cảnh báo rằng các cơ sở hạ tầng này có thể được coi là mục tiêu hợp pháp để Nga tấn công.
Năm 2019, Mỹ ra mắt lực lượng không gian và tuyên bố coi không gian là một mặt trận chiến tranh vì các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc.