Để chuẩn bị cho cuộc họp này, lực lượng quân sự Mali đã mời các nhóm dân sự, các tổ chức chính trị và một số nhân vật từng tham gia các cuộc nổi dậy, tới tham gia để tham vấn các ý kiến. Tuy nhiên, thông báo hoãn họp đã được đưa ra vào phút chót, trong khi đó lịch họp thay thế không được công bố.
Ngày 18/8 vừa qua, một nhóm binh sĩ quân đội đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sĩ bắt giữ, Tổng thống Keita tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội.
Cuộc đảo chính đã gây ra làn sóng chấn động các nước láng giềng của Mali, cũng như tâm lý lo ngại về nguy cơ rơi vào hỗn loạn tại một trong những quốc gia bất ổn nhất khu vực. Các nước thành viên Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã cử một phái đoàn cấp cao đến thủ đô Bamako hôm 22/8 nhằm nỗ lực thúc đẩy khôi phục chế độ dân sự sau đảo chính. Hiện tại, ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên, đóng cửa biên giới, ngừng giao dịch thương mại và ngăn chặn các dòng tài chính từ các nước trong khối đến Mali.
Nhiều nước phương Tây đã lên án cuộc đảo chính tại Mali, trong khi Mỹ đã đình chỉ viện trợ quân sự, bao gồm không đào tạo và hỗ trợ cho lực lượng quân sự tại Mali.